TIN TỨC

Dạy thêm, học thêm: Cấm ép buộc nhưng cần nhìn từ thực tiễn

Sáng 6/5, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo trong Kỳ họp thứ 9, nội dung quy định các hành vi bị nghiêm cấm tiếp tục thu hút nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, đặc biệt liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, một thực tiễn đang gây nhiều tranh cãi trong xã hội hiện nay. Theo điều 11 của dự thảo, nhà giáo sẽ không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời cũng bị cấm yêu cầu người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định pháp luật. Quy định này nhằm siết chặt kỷ cương nghề nghiệp, đảm bảo công bằng giáo dục, nhưng cũng dấy lên không ít băn khoăn từ thực tế. Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình). Ảnh: Như Ý. Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng không nên nhìn nhận việc dạy thêm, học thêm một chiều, quy trách nhiệm hoàn toàn cho giáo viên. “Nhu cầu học thêm là có thật và xuất phát từ chính mong muốn của phụ huynh, học sinh, nhất là với các bộ môn như tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác,” bà Thu nêu ý kiến. Trong nhiều trường hợp, giáo viên tham gia giảng dạy ngoài giờ nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người học, đồng thời cải thiện thu nhập, điều không thể phủ nhận trong điều kiện đời sống nhà giáo còn nhiều khó khăn. Từ đó, đại biểu tỉnh Thái Bình đề xuất cần làm rõ ranh giới giữa dạy thêm hợp pháp và hành vi tiêu cực. Việc cần nghiêm cấm là “ép buộc học sinh học thêm”, chứ không phải toàn bộ hoạt động dạy thêm. Thay vì cấm tuyệt đối, bà đề nghị dự thảo nên quy định rõ: “Cấm tham gia dạy thêm trái quy định pháp luật.” Bởi hiện nay vẫn tồn tại nhiều hình thức không gọi là ép buộc nhưng lại gây áp lực ngầm, nhất là với học sinh tiểu học, đây là lứa tuổi còn rất nhạy cảm. Để quản lý hiệu quả, bà Thu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành bộ quy chế cụ thể, minh bạch về dạy thêm, học thêm và công khai cho toàn ngành thực hiện. Tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu khó khăn trong việc xác định và xử lý hành vi “gợi ý học thêm” nếu đưa vào luật. Theo ông, vấn đề này cần được điều chỉnh thông qua bộ quy tắc ứng xử của nhà giáo thay vì văn bản luật, để đảm bảo tính linh hoạt và đạo đức nghề nghiệp. Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: Như Ý. Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết, khi lấy ý kiến tại địa phương, nhiều cán bộ, giáo viên và phụ huynh đều có quan điểm khác nhau về dạy học ngoài chương trình chính khóa. Một mặt, họ mong muốn có quy định rõ ràng để phân biệt với chương trình chính khóa, qua đó nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý. Mặt khác, cũng có lo ngại rằng nếu đưa quy định này vào luật, sẽ vô tình hợp pháp hóa hoạt động dạy thêm tràn lan, đi ngược lại định hướng xây dựng hình ảnh người thầy theo chuẩn mực sư phạm. Đáng chú ý, nội dung liên quan đến dạy thêm, học thêm hiện đã được quy định tại Thông tư 29 do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 30/12/2024. Do vậy, việc đưa vào Luật Nhà giáo có thể gây chồng chéo hoặc mâu thuẫn giữa các văn bản pháp lý. Từ thực tiễn đó, đại biểu đoàn Hòa Bình đề xuất nên có quy định mở, mang tính định hướng trong luật, cụ thể: “Các hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa, bao gồm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy học bổ trợ ngoài giờ theo đúng quy định của pháp luật, cũng được coi là một phần của hoạt động nghề nghiệp khi đảm bảo đúng mục đích giáo dục, không vụ lợi và tuân thủ quy định quản lý dạy thêm, học thêm hiện hành.” Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình). Ảnh: Như Ý. Dạy thêm, học thêm là nhu cầu tồn tại khách quan. Vấn đề đặt ra là cách quản lý, kiểm soát và định hướng sao cho phù hợp, để hoạt động này không bị biến tướng, trở thành gánh nặng với học sinh hay công cụ kiếm tiền bất chính. Cân bằng giữa pháp lý và đạo đức nhà giáo, giữa nhu cầu thực tiễn và định hướng giáo dục, chính là bài toán cần được giải một cách thấu đáo trong dự thảo Luật Nhà giáo lần này.