TIN TỨC

Điện mặt trời mái nhà cần hài hòa với dịch vụ phụ trợ hệ thống điện

Phát triển ồ ạt điện mặt trời mái nhà chưa chắc đảm bảo nhu cầu sử dụng cho hộ gia đình, mà còn có thể gây lãng phí và phát sinh chi phí đi kèm.
Điện mặt trời mái nhà hiện chiếm hơn 9% tổng công suất đặt tại Việt Nam. Theo Bộ Công thương, công suất đặt của điện mặt trời mái nhà hiện khoảng 7.660MW, chiếm hơn 9% tổng công suất đặt của Việt Nam. Sản lượng điện chiếm gần 4% tổng sản lượng của hệ thống điện quốc gia. So với một số nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời mái nhà có tỉ trọng cao hơn, thậm chí còn vượt qua công suất lắp đặt của thủy điện nhỏ và tua-bin khí – những nguồn điện truyền thống, từng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam trước đây. Trong những thời điểm bức xạ cao, công suất điện mặt trời mái nhà có thể vượt quá khả năng hấp thụ của lưới điện khu vực. Tại phiên họp về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà vào tháng 4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho ý kiến, rằng phải tính toán kỹ quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà. Đồng thời, việc phát triển điện mặt trời mái nhà phải đi kèm với những chính sách khuyến khích, hỗ trợ  nhằm bảo vệ lợi ích lâu dài của nhà đầu tư, chú trọng bảo vệ môi trường.  Nhiều chuyên gia năng lượng cũng đồng tình quan điểm này. Đa số đánh giá, điện mặt trời mái nhà có những đặc điểm riêng biệt, cần được lưu ý trong quá trình phát triển, nhất là trong quá trình xây dựng các chính sách, chiến lược về năng lượng. Ảnh hưởng của loại điện này tới hệ thống điện cần đánh giá sát sao bởi sự an toàn của hệ thống điện. Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh tới 3 đặc điểm của điện mặt trời mái nhà, đó là tính bất định, phân tán và chi phí cân bằng công suất. Trong đó, điện mặt trời mái nhà chỉ có tác dụng vào những giờ có ánh nắng mặt trời. Vào buổi đêm, hay những giờ có mây, mưa ban ngày, nguồn điện này giảm thấp, buộc nhà đầu tư phải bổ sung nguồn lưu trữ để ổn định nguồn cung cấp điện. Ở quy mô nhỏ là các bộ pin lưu trữ. Ở quy mô lớn là các nguồn thủy điện tích năng hoặc thậm chí là nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện than, tua-bin khí). Với hộ gia đình, tính bất định của điện mặt trời mái nhà thể hiện rõ nhất. Vào những ngày âm u, mưa gió, họ phải mua điện từ hệ thống quốc gia. Nhưng vào lúc bức xạ mặt trời cao, dư thừa điện xảy ra, buộc phải cắt giảm công suất phát điện. Đơn vị điều độ hệ thống điện thường giảm nguồn năng lượng tái tạo, làm tăng chi phí vận hành hệ thống điện. “Tính bất định của điện mặt trời mái nhà khiến hệ thống điện phải huy động thường xuyên các nguồn điện truyền thống hoạt động ở trạng thái không liên tục. Điều này vừa làm giảm sản lượng các nguồn điện này, vừa gây hại cho thiết bị”, Cục Điều tiết điện lực cho biết. Ngoài yếu đố bất định, điện mặt trời mái nhà còn phân tán ở quy mô nhỏ và rất nhỏ. Điều này có lợi vì nguồn điện sẽ ở sát phụ tải, nhưng lại không đủ khả năng cung cấp hộ gia đình thông thường, dù đầu tư với công suất lớn. Nguyên do, bởi hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện cả ngày và đêm, nhưng điện mặt trời mái nhà lại chỉ phát được khi có bức xạ mặt trời. Ngoài ra, cơ quan điều độ không thể cập nhật liên tục các nguồn điện mặt trời mái nhà quy mô hộ gia đình, dẫn đến khó khăn khi vận hành toàn hệ thống điện. Ở góc độ nhà đầu tư, họ hầu như chỉ quan tâm đến chi phí lắp đặt như công suất tấm pin, công suất inverter, hệ thống khung đỡ, kết cấu chịu lực của mái, hệ thống pin lưu trữ… Nhưng từ góc độ của cơ quan điều độ hệ thống điện và chủ đầu tư của các nhà máy điện truyền thống, sự phát triển của điện mặt trời mái nhà còn mang đến thách thức về chi phí chung của cả hệ thống. Cục Điều tiết điện lực chỉ ra một số chi phí chính, gồm: dịch vụ phụ trợ hệ thống điện – sự sẵn sàng của các nguồn điện truyền thống để đáp ứng tính bất định của điện mặt trời mái nhà; chi phí đầu tư lưới điện – cấp điện cho khách hàng vào ban đêm nhưng lại không được bán vào ban ngày; chi phí duy trì nguồn điện – đảm bảo khả năng cung cấp nhưng lại không được phát và bán điện… Duy trì quan điểm thận trọng khi phát triển điện mặt trời mái nhà, Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh: “Các nguồn điện mặt trời mái nhà chỉ nên phát triển ở mức sẵn sàng tiêu thụ tại phụ tải. Nếu ồ ạt phát triển ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân bằng cung – cầu của hệ thống điện, gây phí tổn không cần thiết”.