TIN TỨC

Doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia phải đón đầu xu thế mới

Cục trưởng Vũ Bá Phú (trái) chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Bảo Thắng. Chiều 28/10, Bộ Công thương tổ chức lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia 2024. Theo ban thư ký chương trình, năm nay cả nước có 190 doanh nghiệp, cùng 359 sản phẩm được vinh danh. Trong đó, 17 doanh nghiệp có 9 kỳ liên tiếp nhận thưởng và 40 doanh nghiệp lần đầu tiên lọt vào danh sách. Với chủ đề năm nay là “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh”, chương trình đã thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp liên hệ, tìm hiểu, nộp hồ sơ đăng ký tham gia ngay từ tháng 1/2024. Số lượng doanh nghiệp được công nhận cũng ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, lĩnh vực. Ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), người trực tiếp tham gia chấm hồ sơ cho biết, chương trình ngày càng hoàn thiện các tiêu chí để khuyến khích doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu. Chẳng hạn, biện pháp chống hàng giả, bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài… Qua quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, ông Hồng nhận thấy có 2 vấn đề nổi cộm. Đó là, doanh nghiệp đa số vẫn sử dụng nhãn hiệu để phát triển thương hiệu. Trong khi những sáng chế, bí quyết kỹ thuật, tài sản… để có thể phát triển chất lượng một cách lâu dài lại hạn chế. Ngoài ra, việc bảo vệ thương hiệu tại thị trường nước ngoài chưa được thực hiện một cách thường xuyên, đồng bộ. Những mô tả về thương hiệu chưa nhiều, chưa cụ thể. Điều này xảy ra ngay cả với doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn. Để có thể bảo hộ, đăng ký các thương hiệu tiềm năng ở nước ngoài, ông Hồng lưu ý doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, phối hợp với 3 Bộ là: Khoa học và Công nghệ, Công thương và NN-PTNT để nâng cao nhận thức, năng lực cho xây dựng, quản trị thương hiệu, cũng như quảng bá cho doanh nghiệp và chương trình Thương hiệu quốc gia. “Khâu tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật góp phần xây dựng thương hiệu là quan trọng nhất”, ông Hồng chia sẻ và khuyến nghị rằng, doanh nghiệp nên quan tâm xây dựng thương hiệu song hành cùng phát triển chất lượng sản phẩm. Ông Trần Lê Hồng: ‘Doanh nghiệp mới chỉ quan tâm xây dựng nhãn hiệu’. Ảnh: Bảo Thắng. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nói thêm, rằng cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp phải có kỹ năng về quản lý, xây dựng thương hiệu như thiết kế bao bì sản phẩm, quảng bá cả trong lẫn ngoài nước. Chia sẻ về chủ đề năm nay, ông Phú nói “chuyển đổi xanh, chuyển đổi số” gần như trở thành một yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… chứ không còn là một tùy chọn như trước. “Nếu doanh nghiệp không chủ động thích ứng kịp thời với kinh tế thế giới, những quy định như CBAM, EUDR… sẽ ngăn doanh nghiệp chúng ta tham gia vào chuỗi cung toàn cầu”, ông Phú nhấn mạnh. Doanh nghiệp thương hiệu quốc gia phải có yếu tố tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt, nhất là với những yêu cầu mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, theo ông Phú. Ngoài ra, Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại hy vọng những doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia sẽ là những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực của mình, góp phần giúp đất nước tiến vào “kỷ nguyên xanh”, “tăng trưởng xanh”. Nếu không đáp ứng được những “tiêu chuẩn xanh”, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt hại. Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin, một số doanh nghiệp dệt may vừa qua đã mất nhiều đơn hàng vì chưa đáp ứng được những yêu cầu “xanh” của EU, Hoa Kỳ. “Xu thế tiêu dùng đang thay đổi, ngoài chất lượng, thị trường nhập khẩu còn đòi hỏi các yếu tố như phát triển bền vững, sử dụng nguồn lao động đúng độ tuổi… Đó là điều mà doanh nghiệp chưa thể thích nghi trong một sớm một chiều”, ông Chiến bày tỏ. Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, đơn vị có 8 lần đạt thương hiệu quốc gia, thừa nhận việc đạt chứng nhận của chương trình là sự ghi nhận cho quá trình phát triển thương hiệu, góp phần làm ra sản phẩm chất lượng, vươn ra thị trường quốc tế. Thời gian tới, công ty cam kết nguồn lực cho công tác bảo tồn đàn chim yến, phát triển các nguồn sản phẩm phục vụ sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, thực hiện các đề tài khoa học về chim yến để nâng cao giá trị gia tăng, tăng tỷ trọng xuất khẩu, nhất là sản phẩm hướng tới Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand. Sau gần 20 năm thực hiện và 8 lần bình chọn thương hiệu quốc gia Việt Nam, số lượng doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia tăng dần qua các thời kỳ. Từ 30 doanh nghiệp vào năm 2008, đến năm 2022, số doanh nghiệp tăng lên thành 172 và năm nay là 190.