TIN TỨC

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo kỳ vọng mức giá tốt hơn

Những ngày đầu tháng 5, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi tích cực, mang lại kỳ vọng mới cho ngành hàng này sau giai đoạn giảm sâu đầu năm. Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 5/5, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện đạt mức 398 – 402 USD/tấn, cao hơn so với Ấn Độ (382 – 386 USD/tấn) và Pakistan (389 – 393 USD/tấn). Mặc dù giá không vượt xa các đối thủ, nhưng đây là mức cao nhất tính từ tháng 4 đến nay. Đặc biệt, các dòng gạo chất lượng cao như OM5451 và OM18 đang có giá xuất khẩu lần lượt ở mức 500 – 530 USD/tấn. Các giống gạo đặc sản như ST25, gạo hữu cơ có thể đạt từ 800 đến 1.200 USD/tấn, đưa giá bình quân gạo xuất khẩu Việt Nam lên trên 500 USD/tấn – một con số rất tích cực trong bối cảnh giá lương thực thế giới vẫn còn biến động. Giá gạo xuất khẩu phục hồi trở lại trong những ngày đầu tháng 5. Ảnh: Hà Duyên. Dự báo về giá gạo xuất khẩu thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV cho rằng, đà tăng này có khả năng tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, khi nguồn cung hạn chế và nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường phục hồi mạnh. Nguyên nhân là do, vụ đông xuân – vụ lúa lớn nhất trong năm hiện đã kết thúc. Trong khi đó, vụ Hè Thu phải đến tháng 7 – 8 mới bắt đầu, khiến nguồn cung trong giai đoạn tới không quá dồi dào. Đây là yếu tố then chốt giúp giá gạo giữ ở mức cao. Cùng với đó, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn như Philippines, châu Phi, Trung Quốc và Trung Đông đang gia tăng khi các khách hàng đang đàm phán và quay trở lại nhập khẩu sau thời gian thận trọng quan sát diễn biến giá cả. “Nhu cầu mua không hề giảm, chỉ là người mua đang chờ mức giá hợp lý và động thái từ các nước xuất khẩu lớn,” ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV nhận định. Cũng theo ông Thành, mặc dù giá gạo xuất khẩu đang có lợi nhuận, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa vội chốt đơn hàng. Tâm lý chờ đợi mức giá tốt hơn đang chi phối quyết định bán ra của các nhà xuất khẩu. “Giá gạo xuất khẩu hiện tại có lợi nhưng chưa thực sự hấp dẫn. Doanh nghiệp kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục cải thiện, đặc biệt trong phân khúc gạo trung và cao cấp,” ông Thành chia sẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đã có sự chuẩn bị tốt về nguồn hàng, tích trữ từ giai đoạn giá lúa xuống thấp. Điều này giúp họ có thế chủ động hơn trong đàm phán và chiến lược bán hàng. Đánh giá về khả năng xuất khẩu gạo trong những tháng tới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng xuất khẩu, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường gần. Thực tế, tại Philippines – thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này trong năm 2025 vẫn ở mức cao. Ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại (Thương vụ Việt Nam tại Philippines) cho biết, trong những năm qua, Philippines là thị trường truyền thống đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam, với thị phần chiếm khoảng 80 – 85%. Kể từ năm 2022, gạo của Việt Nam xuất khẩu vào Philippines luôn đạt 3 – 4 triệu tấn/năm (năm 2022 đạt 3,214 triệu tấn; năm 2023 đạt 3,15 triệu tấn; năm 2024 đạt 4,15 triệu tấn; năm 2025 dự báo đạt khoảng 4,35 triệu tấn). Theo ông Thành, gạo Việt giữ ngôi đầu xuất khẩu sang Philippines là do phẩm cấp, chất lượng, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân nước này. Ngoài ra, Việt Nam cũng có nguồn cung gạo ổn định, khoảng cách địa lý thuận lợi, nhiều doanh nghiệp Việt đã có quan hệ bạn hàng lâu năm, tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với Philippines. “Dù cạnh tranh xuất khẩu gạo vào Philippines tăng lên do Ấn Độ, Thái Lan đều có các chính sách thúc đẩy xuất khẩu, nhưng gạo Việt vẫn có chỗ đứng ở Philippines”, ông Phùng Văn Thành khẳng định. Số liệu thống kê của Cục Hải quan cho thấy, 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 3,4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,76 tỷ USD – tăng 8,1% về lượng nhưng giảm 13,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu do giá gạo xuất khẩu bình quân trong bốn tháng đầu năm giảm 20,1%, xuống còn khoảng 517 USD/tấn. Tuy nhiên, xu hướng giá đang phục hồi dần từ cuối tháng 4, tạo tín hiệu tích cực cho các quý tiếp theo. Thị trường Philippines vẫn là điểm đến lớn nhất, chiếm hơn 41% thị phần, theo sau là Bờ Biển Ngà và Ghana. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu gạo sang Bangladesh tăng đột biến gần 518 lần so với cùng kỳ, cho thấy tiềm năng mở rộng sang các thị trường mới nhờ lợi thế chất lượng và chủng loại phong phú.