Đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ khởi công tháng 12
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 54/CĐ-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, khởi công vào tháng 12/2025. Từ Đại hội XIII và các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, việc đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt đang được xác định là một trong những ưu tiên chiến lược. Với đặc tính vận tải khối lượng lớn, nhanh, chi phí hợp lý, an toàn và ít phát thải, đường sắt đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững, kết nối vùng miền và mở rộng quan hệ giao thương quốc tế. Đặc biệt, Kết luận 72-KL/TW ngày 23/2/2024 yêu cầu dành nguồn lực để hoàn thành tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 187/2025/QH15 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, đồng thời Chính phủ đang soạn thảo nghị quyết triển khai, đặt mục tiêu khởi công trong năm nay. Đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có tổng vốn 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD. Ảnh minh họa: VietnamFinance. Ngày 14/4/2025, Việt Nam và Trung Quốc ký công thư về việc Bắc Kinh hỗ trợ kỹ thuật để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn này. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu triển khai dự án đúng tiến độ, quyết liệt như khí thế của tháng 4 lịch sử, yêu cầu Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương nhanh chóng triển khai đồng bộ các phần việc, tuyệt đối không để khâu này chờ khâu khác. Mọi thủ tục chuẩn bị cần được hoàn tất để lễ khởi công diễn ra vào ngày 19/12/2025. Bộ Xây dựng được giao phối hợp các địa phương bàn giao tọa độ tim tuyến, mốc giới giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2025; đẩy nhanh công tác lập và thẩm định báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu. Trong quá trình thực hiện, có thể huy động thêm nguồn lực từ Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội để hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng được giao hoàn tất hồ sơ trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, báo cáo Chính phủ trước ngày 5/5/2025. Chính quyền các tỉnh, thành nơi tuyến đi qua — gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng — phải khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng do Bí thư Tỉnh ủy hoặc Thành ủy đứng đầu, hoàn thành trước ngày 5/5/2025. Đồng thời, chỉ đạo các cấp phối hợp nhận bàn giao hồ sơ ranh giới, triển khai ngay công tác bồi thường, tái định cư để bàn giao mặt bằng trong tháng 8/2025. Thủ tướng yêu cầu xem giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nhân dân, bảo đảm nơi ở mới tối thiểu ngang bằng nơi ở cũ, đồng thời hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm mới cho người dân bị ảnh hưởng. Nếu cần thiết, cần có phương án tạm cư để ổn định đời sống trong khi chờ tái định cư chính thức. Về phía các bộ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần phối hợp Bộ Xây dựng cùng địa phương hoàn thành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa, hướng dẫn xử lý các vướng mắc phát sinh. Bộ Tài chính được giao rà soát nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2025 của trung ương và địa phương để ưu tiên phân bổ cho dự án, báo cáo Chính phủ trong tháng 5/2025. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ trực tiếp giám sát và xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Dự án được Quốc hội phê duyệt ngày 19/2 tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, với mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong nước và quốc tế, đặc biệt là liên vận với Trung Quốc. Tuyến này được kỳ vọng tạo động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội toàn vùng, tận dụng hiệu quả hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đồng thời củng cố quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Tuyến chính có chiều dài khoảng 390,9 km, thêm 27,9 km tuyến nhánh, đi qua 9 tỉnh, thành phố. Tuyến sử dụng khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, thiết kế cho cả vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tốc độ thiết kế tối đa là 160 km/h đối với đoạn chính từ Lào Cai đến Nam Hải Phòng, giảm còn 120 km/h qua Hà Nội và 80 km/h ở các đoạn còn lại. Tổng diện tích đất sử dụng dự kiến khoảng 2.632 ha, số dân cần tái định cư gần 19.140 người. Dự án được đề xuất theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,369 tỷ USD. Tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt với chương trình phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam” tổ chức vào tháng 3 vừa qua, nhiều tập đoàn lớn hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, viễn thông, thép và sản xuất ô tô như Viettel, Hòa Phát (HoSE: HPG), Trường Hải (THACO), Trung Chính… đều khẳng định đã sẵn sàng về nhân lực, công nghệ và tài chính để tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp đường sắt. Dù vậy, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh rằng để phát huy hết tiềm năng nội lực, cần có những cơ chế và chính sách cụ thể, thông thoáng từ phía Nhà nước – đặc biệt là các quy định về thuế, ưu đãi tín dụng, cùng với hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia bình đẳng và hiệu quả.