Gạo Thái Lan đối diện mức thuế lên tới 36% từ Mỹ
Nếu không đạt được thỏa thuận trước tháng 7, gạo Thái Lan sẽ bị Mỹ áp thuế lên tới 36%. Ảnh: RUNGROJ YONGRIT/EPA-EFE. Xuất khẩu gạo Thái Lan ảnh hưởng do thuế quan Mỹ Theo ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), các giống gạo chất lượng cao và uy tín trên thị trường quốc tế như gạo thơm lài (Jasmine) không bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ tăng thuế. Tuy nhiên, với mức thuế quan mới, giá gạo Thái sẽ tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh. Thái Lan nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của Mỹ. Theo đó, nếu không đạt được thỏa thuận trước tháng 7, gạo Thái sẽ bị áp thuế lên tới 36%. Theo số liệu từ TREA, năm 2023, Thái Lan xuất khẩu gần 10 triệu tấn gạo – mức cao nhất kể từ năm 2018, tăng 13% so với năm trước. Trong đó, thị trường Mỹ tiêu thụ hơn 840.000 tấn, đứng thứ ba sau Indonesia và Iraq. Dù vậy, Bộ Thương mại Thái Lan chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2024. Thực tế cho thấy, chỉ trong quý I/2025, xuất khẩu gạo đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Về nguyên nhân sụt giảm, ông Charoen lý giải đến từ nhiều yếu tố, bao gồm thuế quan từ Mỹ, đồng baht tăng lên và giá gạo Thái cao hơn so với các đối thủ như Ấn Độ và Việt Nam. “Giá gạo Ấn Độ rẻ hơn gạo Thái khoảng 40 USD mỗi tấn. Vì vậy, nhiều thị trường lớn như Nam Phi, Malaysia và Philippines đã chuyển sang mua gạo Ấn”, ông Charoen cho biết. Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Anukool Pruksanusak, cho rằng nhu cầu tiêu thụ giảm cùng với nguồn cung tăng sẽ tiếp tục gây khó khăn cho ngành xuất khẩu gạo Thái trong năm nay. Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của TREA, nhận định gạo Việt Nam có giá rẻ hơn nhờ chi phí sản xuất thấp, trong khi nông dân có thể trồng nhiều giống lúa và thu hoạch nhiều vụ trong năm. Ngược lại, gạo Thái lại đắt hơn do chi phí sản xuất cao và năng suất thấp. “Chính phủ cần tập trung cải thiện hiệu quả sản xuất cho nông dân Thái, đặc biệt thông qua quản lý chi phí sản xuất, thu hút đầu tư và phát triển giống lúa cho năng suất cao hơn”, ông Chookiat đề xuất. Ngô Mỹ giá rẻ có thể gây thiệt hại cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Thái Ở một diễn biến khác, ông Banjong Tangchitwattanakul, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xay xát gạo Thái Lan, cảnh báo rằng các nhượng bộ mà Thái Lan đưa ra nhằm đối phó với Mỹ, trong đó có việc hạ thuế nhập khẩu ngô Mỹ từ 73% xuống 0%, sẽ càng gây thiệt hại cho nông dân trong nước. Thái Lan đề xuất nhập khẩu ngô Mỹ từ 73% xuống 0% để đàm phán thương mại. Ảnh: TL. “Ngô nhập khẩu giá rẻ sẽ làm giảm giá gạo tấm và cám gạo – những sản phẩm phụ trong quá trình xay xát và được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi”, ông Banjong Tangchitwattanakul lưu ý. Trước đó, Mỹ đã yêu cầu hoãn đàm phán thương mại song phương do chưa hài lòng với đề xuất ban đầu từ phía Thái Lan. Phía Mỹ muốn Thái Lan xem xét và điều chỉnh một số chính sách trước khi tiếp tục thương lượng. Thông tin này được công bố chỉ một ngày sau khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Phumtham Wechayachai tuyên bố Thái Lan sẽ không mua lô máy bay chiến đấu F-16 mới. Theo bà Kirida Bhaopichitr, Giám đốc Trung tâm Tình báo Kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), các mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan như điện tử, máy móc, ô tô, nông sản và thực phẩm chế biến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách thuế quan mới. “Thái Lan cần giữ vai trò trung lập, đồng thời mở rộng quan hệ thương mại và thu hút đầu tư từ nhiều quốc gia. Việc sớm ký kết hiệp định thương mại tự do với các nước sẽ giúp đảm bảo lợi ích lâu dài”, bà Kirida nhấn mạnh. “Trong bối cảnh hệ thống thương mại toàn cầu đang phân mảnh, các quốc gia và doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa để thích nghi và phát triển”.