Giả danh cảnh sát, lừa giúp nạn nhân thu hồi tiền
Công an Hà Nội cho biết các đối tượng lấy hình ảnh Học viện Cảnh sát nhân dân để tạo dựng niềm tin, tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo các nạn nhân.
Fanpage giả mạo thông tin của Học viện Cảnh sát nhân dân. Trang này được lập ra để lừa đảo các nạn nhân báo án online. Ảnh: PV. Lừa giúp nạn nhân thu hồi tiền Theo Công an TP Hà Nội, một số đối tượng lập fanpage có tên ‘Học viện Cảnh sát nhân dân – Cổng thông tin’ với mục đích lừa tiền của những nạn nhân từng sập bẫy ‘trúng thưởng’, hay ‘làm nhiệm vụ online kiếm tiền’. Trang này giới thiệu có địa chỉ tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội; số điện thoại: 02438362811; web: https://hvcsnd.edu.vn/. Đối chiếu với thông tin trên web chính thức của Học viện Cảnh sát nhân dân, những thông tin trên trang giả mạo này hoàn toàn trùng khớp, chỉ có email là khác, nên người dân rất dễ bị nhầm lẫn. Trang giả mạo đăng bài cảnh báo với nội dung: “Bộ Công an khuyến cáo người dân cảnh tỉnh với những hình thức lừa đảo trực tuyến trên mạng xã hội Internet. Nếu là nạn nhân của những vụ lừa đảo hãy nhanh chóng liên hệ với chúng tôi để tố giác tội phạm và nhận hỗ trợ từ đội ngũ điều tra của Cục An ninh mạng – Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”. “Báo án tố giác tội phạm trung thực. Cố tình báo án sai vu khống cho người khác sẽ phải chịu các hình thức xử phạt của pháp luật”, phần chú thích thêm trong một số bài viết đưa thêm nội dung này, mục đích tạo cảm giác tin tưởng cho nạn nhân. “Tôi bị một đối tượng giả danh cảnh sát gọi điện, hướng dẫn cài đặt ứng dụng công giả mạo. Sau đó, tài khoản của tôi bị chiếm đoạt số tiền 400 triệu đồng. Tôi có thể liên hệ với cơ quan nào để trình báo sự việc?”, phóng viên đặt câu hỏi. Đáp lại là một tin nhắn tự động: Chào bạn! Bạn đã là nạn nhân của những vụ lừa đảo trên internet phải không? Tiếp đó, trang này yêu cầu phóng viên cho biết họ tên, số điện thoại và thông tin chi tiết về vụ lừa đảo, số tiền bị lừa đảo… Khi phóng viên nói đã trình bày ở trên, trang này tiếp tục yêu cầu cung cấp các bằng chứng chứng minh bị lừa đảo. Đồng thời, giới thiệu là cán bộ ở bộ phận an ninh mạng, Bộ Công an đang tiếp nhận hồ sơ báo án online. Khi được hỏi cán bộ ở Cục nghiệp vụ nào, có thể tới báo án trực tiếp không? Nhóm đối tượng nhắn: “Anh là một nạn nhân thực sự cần sự hỗ trợ lấy lại toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt, tôi mong anh không phải là một đối tượng cố gắng quấy rối làm phiền chúng tôi”. Tiếp tục đặt câu hỏi về việc báo án với cơ quan công an địa phương, trang giả danh cảnh sát này chặn tin nhắn của phóng viên. Liên quan tới hoạt động của fanpage “Học viện Cảnh sát nhân dân – Cổng thông tin”, đại diện Công an TP Hà Nội khẳng định, đây là trang lừa đảo. “Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã lấy hình ảnh của Học viện Cảnh sát nhân dân để tạo dựng niềm tin, tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo các nạn nhân”, Công an TP Hà Nội cho biết. Theo Công an TP Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng này không mới. Đó là khi có nạn nhân liên hệ báo án, các đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên. “Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo”. Nhiều hội nhóm lập ra kêu gọi giúp thu hồi tiền đã bị lừa đảo. Thực chất, đây là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo để nạn nhân tiếp tục mất tiền. Ảnh: PV. Giả danh cảnh sát, lừa giúp thu hồi nợ Trên mạng xã hội Facebook, các hội nhóm ‘Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo’, ‘Lấy lại tiền bị lừa qua mạng’… xuất hiện tràn lan cùng với các trang web giả mạo, có giao diện tương tự với đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng sư… Ngoài những bài viết thu hút thu hồi nợ, thu hồi vốn treo, lấy lại tiền bị lừa, vay mượn tiền duyệt hồ sơ nhanh chóng… trên các hội, nhóm mạng xã hội Facebook, phía dưới các bài đăng là hàng loạt các tin nhắn bình luận “đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết”… nhưng thực chất đều là thông tin giả, dẫn dụ con mồi. Cụ thể, đối tượng yêu cầu gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin từ 3 – 5 triệu đồng. Điểm chung của các đối tượng hình thức này là đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam. Có thể thấy, hàng loạt những bài bình luận, hoặc tin nhắn trong các hội nhóm, giới thiệu đã lấy lại được tiền lừa đảo hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo và 100% các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo và thu hồi nợ treo trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo. Trước hiện trạng nhiều người đã bị lừa lần 1, sau đó lại tiếp tục bị lừa lần 2 và nhiều lần khác với số tiền có khi lên tới hàng tỷ đồng bởi những hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng, các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh bảo, người dân cũng cảnh giác, nhưng vẫn mắc bẫy lừa đảo. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), chiêu trò của các đối tượng không mới nhưng vẫn đủ tinh vi để khiến cho nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy. Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin đã rất nhiều lần đưa ra cảnh báo cho người dân nhưng vẫn có nhiều người dùng nhẹ dạ cả tin mà sập bẫy lừa đảo. Môi trường trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Chiêu trò lừa đảo ‘trúng thưởng online’ tuy không mới, nhưng vẫn có người nhẹ dạ cả tin bị mắc bẫy. Ảnh: PV. Giả danh Điện máy xanh, Thế giới di động Đối tượng thường giả danh nhân viên Điện máy xanh thông báo khách hàng trúng thưởng để lừa tiền Gọi điện thoại thông báo trúng thưởng là chiêu thức phổ biến nhất mà các đối tượng lừa đảo hay sử dụng. Theo đó, kẻ lừa đảo sẽ gọi điện thoại cho cá nhân để thông báo trúng thưởng. Để tạo lòng tin, các đối tượng này sẽ tự xưng là nhân viên của các công ty, siêu thị như Điện máy xanh, Thế giới di động… hoặc các chương trình đã được Bộ Công thương cấp phép. Các chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại và mạng xã hội Facebook thực chất đã xuất hiện từ vài năm trở lại đây nhưng nhiều người vẫn dính ‘bẫy’ do sự nhẹ dạ, cả tin và thậm chí là lòng tham của bản thân, biến mình trở thành nạn nhân. Những chiêu trò phổ biến mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là gọi điện thông báo trúng thưởng, mời chào mua hàng để nhận mã trúng thưởng, gửi tin nhắn qua mạng xã hội thông báo trúng thưởng, đóng thuế trúng thưởng chơi game. Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải nâng cao cảnh giác trước những lời mời trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Người dân cần tìm hiểu kỹ về đối tượng gọi đến, yêu cầu họ cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (nếu bên tặng thưởng là cá nhân); tên Công ty, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu bên tặng thưởng là doanh nghiệp) để tìm hiểu, tra cứu xác minh đối tượng từ nhiều nguồn khác nhau. Liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền như Sở Công Thương hoặc Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời về chương trình khuyến mãi, trao thưởng mà bên kia cung cấp bởi các chương trình khuyến mại, trao thưởng lớn đều phải được đăng ký và cấp phép. Nếu không đăng ký tham gia các chương trình quay thưởng/bốc thăm trúng thưởng mà lại nhận được thông báo trúng thưởng thì khả năng cao là lừa đảo bởi không có việc doanh nghiệp tự lựa chọn khách hàng rồi quay thưởng và trao thưởng khi không có thông báo trước. Ngoài ra các nạn nhân bị lừa đảo cũng cần lưu ý, chúng ta không biết chính xác bên lừa đảo là ai, địa chỉ ở đâu nên phát hiện mình bị lừa đảo bạn không thể tự lấy lại tiền bị lừa được. Nếu không may trở thành nạn nhân, việc bạn cần làm là thu thập thông tin đã trao đổi với đối tượng lừa đảo như tin nhắn điện thoại, ghi âm cuộc gọi, thông tin số điện thoại, tài khoản Facebook, sao kê thông tin chuyển khoản ngân hàng. Sau đó, đem tất cả những bằng chứng đó đến công an xã, phường nơi mình đang cư trú để trình báo về tội phạm lừa đảo.