Giá dừa đồng loạt tăng vọt trên toàn cầu
Mức tăng kỷ lục Thị trường thế giới đang chứng kiến làn sóng tăng giá chưa từng thấy của dừa và các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là dầu dừa. Tại Hoa Kỳ, giá dầu dừa trong tháng 4/2025 đã tăng tới gần 3,31 USD/kg (tương đương 150 cent/pound), cao hơn khoảng 127% so với mức trung bình 5 năm gần nhất – mức đỉnh từng ghi nhận năm 2011. Nguồn cung dừa trên thế giới đang bị hạn chế và sụt giảm tại nhiều nơi. Ảnh: Fresh Plaza. Trong khi đó, tại Philippines, quốc gia xuất khẩu dầu dừa hàng đầu thế giới, giá dầu dừa đã vượt 2.658 USD/tấn, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Fresh Plaza dẫn số liệu từ nhiều hiệp hội ngành hàng cho thấy, giá dừa nguyên liệu (bao gồm dừa khô và cùi dừa dùng để ép dầu) tại các quốc gia châu Á đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới làn sóng tăng giá lần này xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu. Từ cuối năm 2023 đến nay, Philippines, Indonesia và Sri Lanka – 3 quốc gia chiếm khoảng 70% sản lượng dừa toàn cầu – liên tục đối mặt với hạn hán, mưa thất thường và bão mạnh, khiến năng suất dừa giảm sâu. Cùng với đó, tình trạng sâu bệnh lan rộng cũng làm trầm trọng thêm thiệt hại. Tại Sri Lanka, bọ trắng bùng phát mạnh, trong khi Philippines ghi nhận nhiều diện tích bị tàn phá bởi sâu đầu đen, làm nguồn cung copra (nguyên liệu thô dùng để sản xuất dầu dừa) rơi vào khủng hoảng. Mặt khác, phần lớn vườn dừa tại các nước sản xuất lớn đang ở giai đoạn già cỗi, năng suất thấp nhưng chưa được tái canh do thiếu vốn và thời gian đầu tư dài. Trung bình một cây dừa mới cần từ 5-7 năm mới cho trái ổn định, khiến khoảng cách cung – cầu ngày càng bị nới rộng. Ở chiều ngược lại, nhu cầu dầu dừa toàn cầu vẫn tăng đều, nhất là tại các thị trường tiêu dùng lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Dầu dừa được ưa chuộng trong ngành thực phẩm sạch, mỹ phẩm hữu cơ và thậm chí trong sản xuất chất tẩy rửa sinh học. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), lượng nhập khẩu dầu dừa của nước này trong quý I/2025 đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trước áp lực giá leo thang, nhiều quốc gia xuất khẩu đã áp dụng các biện pháp can thiệp thị trường. Chính phủ Philippines cân nhắc giữ lại một phần sản lượng dầu dừa phục vụ tiêu dùng nội địa nhằm bình ổn giá. Indonesia đang đề xuất lệnh cấm xuất khẩu trong thời gian từ ba đến sáu tháng, đồng thời áp thuế xuất khẩu để hạn chế nguồn cung ra ngoài nước. Sri Lanka cũng đã cho phép nhập khẩu nhân dừa để giảm áp lực cung trong nước, song song với việc triển khai chiến dịch phòng chống sâu bệnh trên diện rộng. Trang India Times cảnh báo, nếu không có thay đổi đáng kể về nguồn cung trong các quý tới, giá dừa và dầu dừa có thể tiếp tục neo ở mức cao đến cuối năm 2025. Tình trạng này ảnh hưởng không chỉ đến người tiêu dùng mà còn gây khó khăn cho các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu từ dừa như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và chế phẩm sinh học. Việt Nam định hướng quy hoạch diện tích trồng dừa khoảng 200.000 ha vào năm 2030. Ảnh: Produce Report. Giá dừa tại vườn tăng gấp đôi năm ngoái Năm 2024, xuất khẩu dừa của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD. Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tăng 20%, đạt gần 1,1 tỷ USD, trong đó dừa tươi tăng 61% lên 390 triệu USD. Bộ Nông nghiệp và Môi trường thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 200.000 ha trồng dừa, sản lượng khoảng 2 triệu tấn mỗi năm, với 1/3 đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ và châu Âu. Cả nước có hơn 600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và chế biến dừa, đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu dừa lớn thứ 5 thế giới Tuy nhiên, nguồn cung trong năm 2025 được dự báo là gặp thách thức do nông dân ngần ngại mở rộng diện tích trồng và cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Ấn Độ và Trung Đông, cùng với sự phát triển của các nhà máy chế biến tại Trung Quốc . Tình hình này kết hợp với nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu đã đẩy giá dừa tươi tại Việt Nam tăng mạnh. Một quả dừa hiện có giá từ 15.000-20.000 đồng, gấp đôi so với 2024. Tại Bến Tre và Tiền Giang, giá dừa tại vườn dao động từ 100.000 – 130.000 đồng/chục quả, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Dừa đang từng bước trở thành mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô” mới của Việt Nam. Sau nhiều năm bị lu mờ so với các mặt hàng trái cây chủ lực như thanh long, chuối hay sầu riêng, dừa đã tăng trưởng ổn định ở các thị trường quốc tế có giá trị cao, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Với Trung Quốc, kể từ khi Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch dừa tươi được ký vào tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu dừa sang Trung Quốc tăng mạnh. Quốc gia này có nhu cầu rất lớn đối với dừa tươi nguyên trái và các sản phẩm từ nước dừa, đặc biệt trong phân khúc tiêu dùng tiện lợi, thực phẩm chức năng và dịch vụ giải khát. Việt Nam hiện là nhà cung cấp dừa lớn thứ 3 của Trung Quốc, sau Thái Lan và Indonesia, với khoảng 20% thị phần. Trong khi đó, Hoa Kỳ, một thị trường khó tính với tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, cũng chính thức mở cửa cho dừa Việt Nam từ tháng 8/2023. Sau chưa đầy một năm, lượng dừa tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng gấp hơn 11 lần, còn giá trị tăng gần 10 lần. Thị trường này ưa chuộng các sản phẩm dừa hữu cơ, dừa gọt sẵn hoặc dừa đóng hộp phục vụ ngành thực phẩm sạch và chế độ ăn lành mạnh. Hiệp hội Dừa Việt Nam dự báo, giá dừa và dầu dừa sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu từ dừa. Để duy trì đã xuất khẩu, ngành hàng phải tái cấu trúc một cách bài bản.