Giá sắn tăng trong những ngày đầu năm
Giá sắn trong nước cũng như giá tinh bột sắn xuất khẩu đang có xu hướng tăng trong tháng 1 và cao hơn đáng kể so với cùng kỳ 2023.
Giá sắn tươi đang tăng lên ở miền Trung và miền Bắc. Từ đầu tháng 1 đến nay, giá củ sắn tươi tại khu vực miền Trung trở ra phía Bắc đang liên tục có xu hướng tăng lên. Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, ngày 15/1, giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc ở mức 2.800-2.900 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 2.950 -3.100 đồng/kg, so với cuối năm 2023, giá sắn tươi mua xô ở miền Bắc và miền Trung đã tăng 300 đồng/kg. Còn so với cùng kỳ năm 2023, giá sắn tươi hiện tại ở miền Bắc cao hơn từ 500 – 950 đồng/kg, ở miền Trung cao hơn từ 550 – 600 đồng/kg. Thiếu hụt sắn nguyên liệu là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới giá sắn tươi tăng trong tháng 1. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nguồn nguyên liệu củ sắn tươi từ Lào bị cấm đưa về Việt Nam từ đầu tháng 12/2023 đang làm gia tăng sự thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất khu vực miền Trung. Từ thực tế này đã gây ra sự cạnh tranh, đẩy giá thu mua củ sắn tươi giữa các nhà máy khu vực từ miền Trung trở ra phía Bắc tăng lên. Không chỉ giá sắn tươi, giá tinh bột sắn xuất khẩu cũng tăng lên trong tháng 1. Ngày 15/1, giá tinh bột sắn xuất khẩu tại TP.HCM (giá FOB) là 515 – 535 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn so với cuối năm 2023 và tăng 60 – 70 USD/tấn so với đầu năm 2023. Tại cửa khẩu Lạng Sơn, giá tinh bột sắn bán cho khách hàng Trung Quốc ở mức 3.950 – 4.150 CNY/tấn, tăng 150 CNY/tấn so với cuối năm 2023 và tăng 550 – 650 CNY/tấn so với cùng kỳ. Giá tinh bột sắn ở Móng Cái hiện cũng ở mức tương đương với giá tinh bột sắn ở Lạng Sơn. Sản lượng sắn giảm đáng kể cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới giá sắn tăng. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, diện tích sắn trên cả nước đạt khoảng 511,5 nghìn ha, giảm 18,8 nghìn ha so với năm 2022; sản lượng ước đạt 10,43 triệu tấn củ tươi, giảm khoảng 196,3 nghìn tấn so với năm 2022. Về xuất khẩu, năm 2023, mặc dù xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm so với năm 2022, nhưng đây vẫn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm qua, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với năm 2022. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của sắn và sản phẩm sắn Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1.187 tỷ USD, chiếm 91,67% xuất khẩu sắn của Việt Nam. Việt Nam cũng đang là nước cung cấp sắn và sản phẩm từ sắn hàng đầu cho Trung Quốc. Thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc với 700 nghìn tấn, trị giá 192 triệu USD, tăng 30% về lượng và tăng 21% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 12,71% về lượng và chiếm 12,63% về trị giá trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc. Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, với 917 nghìn tấn, trị giá 452 triệu USD, giảm 37% về lượng và giảm 38% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong tổng nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 31% về lượng và chiếm 30% về trị giá.