TIN TỨC

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại Hà Tĩnh thấp hơn cùng kỳ

Còn hơn 4.000 tỷ đồng chưa giải ngân Giải ngân vốn đầu tư công những năm gần đây luôn là vấn đề “nóng”, cấp bách của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, bởi, thực tế cần nhìn nhận là tiến độ giải ngân thực hiện nhiều dự án không đạt kỳ vọng theo yêu cầu Chính phủ đặt ra, không ít dự án bị cắt nguồn vì trượt thời gian quy định. Tại tỉnh Hà Tĩnh, theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, các chủ đầu tư và số liệu cập nhật trên hệ thống TABMIS, đến ngày 20/10/2024, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 4.956 tỷ đồng, bằng 93% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và bằng 55% kế hoạch vốn đã phân bổ, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (năm trước 59% kế hoạch giao). Một dự án phòng chống thiên tai tại huyện Hương Khê bị Hà Tĩnh “tuýt còi” vì giải ngân chậm tiến độ. Ảnh: Thanh Nga. Trong đó, vốn bộ, ngành quản lý giải ngân đạt 504.658 triệu đồng, bằng 54% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và bằng 52% kế hoạch vốn đã phân bổ; vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý giải ngân đạt hơn 1.827 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, bằng 36% kế hoạch vốn đã phân bổ; vốn ngân sách cấp huyện, cấp xã quản lý giải ngân đạt trên 2.624 tỷ, bằng 149% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, bằng 88% kế hoạch vốn đã phân bổ. Có 23/45 địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn 39% kế hoạch vốn đầu tư do bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý, đơn cử như: Sở GTVT, Công an tỉnh; thị xã Hồng Lĩnh, huyện Vũ Quang, huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Khê, Thạch Hà, Can Lộc, thị xã Kỳ Anh; Bệnh viện đa khoa tỉnh,… Số địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 39% kế hoạch vốn đầu tư do bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý là 22/45; trong đó, cá biệt có 8/45 địa phương, đơn vị chưa giải ngân được đồng nào. Thời gian còn lại để giải ngân nguồn vốn năm 2024 chỉ còn hơn 2 tháng, tuy nhiên, số vốn còn lại chưa giải ngân trong toàn tỉnh đang khá lớn (hơn 4.044 tỷ), chưa bao gồm hơn 1.097 tỷ đồng đã được HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua tại Nghị quyết số 169/NQ-HĐND nhưng đến nay chưa phân bổ. Lập tổ đôn đốc, tháo gỡ khó khăn Theo ngành chức năng Hà Tĩnh, nguyên nhân giải ngân chưa đạt kỳ vọng, ngoài thủ tục đầu tư dự án kéo dài, khó khăn trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, còn do tình trạng khan hiếm nguồn cung một số loại vật liệu xây dựng như đất san lấp, cát san nền… Chỉ còn hơn 2 tháng nữa hết năm 2024, tuy nhiên, số vốn đầu tư công còn lại chưa giải ngân trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đang khá lớn, với hơn 4.044 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Nga. Đối với những dự án lớn (đặc biệt là các dự án ODA), do thời gian thực hiện kéo dài qua nhiều năm nên quá trình triển khai có sự biến động lớn về giá nguyên, nhiên, vật liệu, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng; năng lực một số nhà thầu tư vấn và Ban quản lý dự án còn hạn chế, quá trình khảo sát thiết kế không xem xét toàn diện các mặt kỹ thuật, kinh tế – tài chính, thẩm mỹ, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng; việc hoàn thiện hồ sơ dự án, hồ sơ thanh quyết toán chậm, còn nhiều sai sót phải chỉnh sửa nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn. “Để đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Mỗi tổ do 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ công tác là tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời”, một cán bộ Sở Tài chính Hà Tĩnh thông tin. Ngoài giải pháp trên, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền giao bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 đối với các dự án đã có phương án bố trí vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021-2023 tại Nghị quyết số 169/NQ-HĐND ngày 18/7/2024 và Nghị quyết số 193/NQ-HĐND ngày 30/9/2024 của HĐND tỉnh. Chủ đầu tư các dự án cần đôn đốc nhà thầu tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn tất hồ sơ để giải ngân kịp thời. Ảnh: Thanh Nga. Đặc biệt, với những dự án tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu, xem xét rút, điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án đó để bố trí cho các dự án khác có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh. Hiện đã có 6 dự án điều chuyển và có phương án điều chuyển với số vốn hơn 42 tỷ đồng. Về phía chủ đầu tư các dự án, UBND tỉnh yêu cầu đôn đốc, phối hợp nhịp ngành với nhà thầu xây dựng kế hoạch thi công hợp lý, tăng ca, tăng kíp vào thời điểm thời tiết thuận lợi. Trong đó, quan tâm, tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng nhằm động viên đơn vị thi công; kịp thời thu hồi các khoản tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định. Ngày 8/10, Thủ tướng Chính phủ phát công điện biểu dương 13 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 trên mức trung bình của cả nước. Đồng thời phê bình 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước. Tỉnh Hà Tĩnh nằm trong tốp 40 địa phương được Thủ tướng Chính phủ biểu dương. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ giải ngân đáp ứng kỳ vọng Chính phủ đặt ra, Hà Tĩnh cần tăng tốc hơn nữa trong 2 tháng “nước rút” còn lại của năm.