TIN TỨC

Giảm lãi suất tối thiểu 1% trong chuỗi liên kết 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Ngày 7/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị triển khai chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Hội nghị có sự tham gia của trên 300 đại biểu là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN-PTNT, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh hợp tác xã; chi nhánh các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay lúa gạo lớn tại khu vực ĐBSCL; lãnh đạo UBND 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và các sở ngành liên quan; hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất lúa gạo tham gia đề án. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua một số nội dung trong chương trình vay vốn ưu đãi phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và UBND 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia đề án xây dựng chương trình tín dụng ưu đãi, chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn thí điểm từ nay đến năm 2025, Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay. Giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 có sự tham gia của các tổ chức tín dụng. Tại hội nghị lần này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông qua mức giảm lãi suất cho vay ưu đãi tối thiểu 1% so với lãi suất mà các chủ thể đang tiếp cận khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ngoài ra, hạn mức cho vay sẽ được mở rộng theo tính chất liên kết, quy mô sản xuất. Thời gian vay vốn phù hợp với vòng quay và tiến độ, chu kỳ sản xuất kinh doanh, trồng lúa cũng như thu mua chế biến, tạm trữ lúa gạo. Đặc biệt, điều kiện bắt buộc để các chủ thể (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân) được thụ hưởng các chính sách ưu đãi từ chương trình tín dụng ưu đãi là phải tham gia chuỗi liên kết. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết tại Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được ưu đãi giảm lãi suất tối thiểu 1% so với lãi suất đang tiếp cận. Ảnh: Kim Anh. Các ngân hàng có thể không đưa ra yêu cầu sử dụng tài sản đảm bảo như trước đây. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi và ưu đãi dành cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của các chủ thể để xây dựng chuỗi liên kết bền vững. “Cách đây hơn 10 năm, Ngân hàng Nhà nước đã đứng ra xây dựng một số chuỗi liên kết nhưng đều không thành công. Bởi thời điểm đó chưa có vai trò, “bàn tay” nhà nước ở các lĩnh vực, nên chưa tạo ra được quyền lợi cho các chủ thể khi tham gia liên kết. Nhưng với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là bản thân từng doanh nghiệp cũng như các HTX, hộ nông dân tìm thấy lợi ích trong đó”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ ban hành riêng Nghị định số 55/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có nhiều ưu đãi về mức cho vay không có tài sản bảo đảm; chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ chế xử lý nợ đặc thù; giảm lãi suất cho khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp… Bộ NN-PTNT đã phối hợp cùng với 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL xây dựng vùng chuyên canh thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn thấp hơn 4%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lúa gạo. Tính đến cuối tháng 9/2024, tín dụng ngành lúa gạo vùng ĐBSCL đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 53% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc. Tại Hội nghị, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung liên quan đến kỹ thuật ngành nông nghiệp để tổ chức triển khai chương trình. Nhất là xác định, công bố các vùng chuyên canh; chủ thể tham gia liên kết; định mức kinh tế kỹ thuật và chi phí thực tế thực hiện khâu sản xuất lúa gạo trong liên kết lúa gạo theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao để Agribank và các tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét cho vay. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, để triển khai nguồn vốn vay cho các chủ thể tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Bộ NN-PTNT đã ký quyết định ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật của công tác khuyến nông. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước 12 tỉnh, thành tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao triển khai rộng rãi chương trình tín dụng ưu đãi. Ảnh: Kim Anh. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã phối hợp cùng với các địa phương vùng ĐBSCL xây dựng vùng chuyên canh thuộc đề án. Trên cơ sở kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo Cục Trồng trọt tổng hợp lại để tiến tới ban hành, công bố vùng chuyên canh tham gia đề án. Hiện nay, Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành các tiêu chí huy động doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia đề án, với những nghĩa vụ, quyền lợi rõ ràng. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ đang phối hợp với các địa phương để tập hợp. Sau đó, Bộ NN-PTNT sẽ phê duyệt danh sách và chính thức làm việc với Agribank để xây dựng cơ chế rõ ràng, triển khai chương trình vay vốn ưu đãi phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.