Hà Nội làm cách nào để phát triển nông nghiệp công nghệ cao?
Kiểm soát chất lượng trứng. Ảnh: NNVN. Nông nghiệp công nghệ cao chiếm 40% tổng giá trị Trong nghị quyết 08 ngày 04/7/2023 thành phố Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Để hiện thực hóa điều đó, Sở NN-PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với UBND các huyện, thị xã thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, tập trung nhiều tại các huyện như Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu có thể kể đến như: Công ty Đại Thành, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Ba Vì, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn và HTX Hữu cơ Đồng Phú huyện Chương Mỹ; HTX Hoàng Long huyện Thanh Oai, HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết huyện Ứng Hòa; đặc biệt là các trang trại, gia trại hoa cây cảnh, trồng hoa lan và nuôi cấy mô lan ở huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh… Nhìn chung, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn thành phố tuy quy mô chưa lớn nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế khá, phù hợp với thực tế của Hà Nội. Chúng đang dần khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đô thị hóa như hiện nay, đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho các địa phương nói riêng và thành phố nói chung. Máy đóng gói trứng. Ảnh: NNVN. Về ứng dụng trong trồng trọt: chủ yếu áp dụng các kỹ thuật canh tác vào sản xuất như ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; hệ thống tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại; ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ canh tác không sử dụng đất mà sử dụng thủy canh, khí canh, công nghệ Blockchain truy xuất nguồn gốc, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp, sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong bón phân và phòng trừ dịch bệnh… Ví dụ có thể kể đến như HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất rau, bưởi, lúa. Các camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất đồng thời chúng cũng lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất mà khi cần doanh nghiệp tiêu thụ hay người tiêu dùng có thể kiểm chứng bằng trích xuất hình ảnh. Về ứng dụng trong chăn nuôi: đã áp dụng hình thức chăn nuôi trong chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, đảm bảo an toàn sinh học; sử dụng dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động; công nghệ thụ tinh nhân tạo, tinh phân ly giới tính, xử lý môi trường bằng công nghệ tiên tiến (CDM, Biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học…) giúp hạn chế ô nhiễm, lây lan dịch bệnh. HTX Hoàng Long huyện Thanh Oai là một trong những đơn vị tiên phong về những ứng dụng kiểu này. Về ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản: công nghệ sông trong ao giúp gia tăng mật độ nuôi cũng như năng suất, chất lượng, sử dụng chế phẩm sinh học và máy tạo oxy tự động, công nghệ biofloc. Điều này có thể thấy đang hình thành rõ ở những vùng chuyên canh thủy sản của huyện Ứng Hòa. Chưa ứng dụng đồng bộ Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở từng khâu, chưa ứng dụng công nghệ cao đồng bộ. Việc ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến như quy trình sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình quản lý dịch bệnh trên cây trồng, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học,… chưa đồng bộ, chủ yếu mới thực hiện ở một vài khâu như tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới… Còn khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng công nghệ thủ công, công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp. Một yếu tố cần lưu ý nữa là dù có chất lượng đồng đều, sản lượng lớn hơn, được chứng nhận của cơ quan chức năng, có thể đáp ứng cho nhu cầu của những hệ thống tiêu thụ hiện đại như cửa hàng, siêu thị nhưng giá bán của nông sản công nghệ cao chưa có sự khác biệt nhiều với nông sản thông thường, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Bởi thế không thực sự khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư, mở rộng. Trồng hoa trong nhà màng. Ảnh: Tư liệu. Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% tổng sản phẩm nông nghiệp. Để thực hiện được điều đó thành phố cần phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn: Tiếp tục duy trì phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội. Ứng dụng công nghệ để số hoá quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát – quan trắc, dần tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan sát – quan trắc tự động phục vụ hoạt động chuyển dịch sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ số để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về cây trồng, vật nuôi, thủy sản…phục vụ công tác định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, an toàn, tuần hoàn góp phần tạo giá trị mới cho nông sản. Ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo thị trường nhằm thực hiện tốt vai trò định hướng cho sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua các website, các mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… Hà Nội cần duy trì và phát triển các kênh tương tác trực tuyến với người dân về thực hiện các thủ tục hành chính, kết nối thông tin về các quy định, chính sách pháp luật, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.