Hai trận lũ lớn liền nhau trong vòng 100 năm qua
Đoạn đường Quốc lộ 1A chạy qua trước làng Bắc Ngũ (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) vẫn ngập sâu trong làn nước lũ màu trắng nhờ nhờ. Gió đẩy sóng trào lên từng đợt. Ông Nguyễn Lanh (75 tuổi, ở thôn Bắc Ngũ) cho hay, nước lũ có rút xuống khoảng hai gang tay người lớn rồi, nhưng đường vẫn còn ngập sâu khoảng 1,5m. “Bà con vẫn đang cảnh giác, nếu tối nay có mưa lớn thì lũ lại xốc lên, nước chạm mái nhà chứ không chơi đâu”, ông Lanh nói như nhắc mọi người. Đoạn đường Quốc lộ 1A qua trước thôn Bắc Ngũ còn ngập sâu trong lũ chiều tối ngày 29/10. Ảnh: T. Đức. Theo ông Nguyễn Lanh, vùng này có thế sau lưng là động cát lớn, trước mặt là sông Kiến Giang. Trước đây, mỗi năm có 2 – 3 trận lũ. Lũ lớn thì ngập đến nửa làng, lũ nhỏ thì nước xăm xắp tràn qua Quốc lộ 1A mà thôi. Khi thấy nước bạc (nước màu đỏ phù sa) chạy một vệt dài giữa sông Kiến Giang và sau đó lan ra tràn vào ruộng vườn thì khi đó báo hiệu lũ sẽ rút. Nhiều tuyến đường liên xóm còn ngập sâu. Ảnh: T. Đức. “Bây giờ thì lạ lắm. Lũ lớn chưa từng thấy và phía trong vùng chỉ rặt nước xanh trong, phía ngoài quốc lộ mới có nước bạc”, ông Lanh nói lên sự lạ. Theo nhiều người dân kể lại, vùng này chỉ có trận lũ vào năm 1950 được xem là lớn nhất. Làng khi đó cũng chỉ mười nóc nhà và bà con phải chạy trốn lũ lên động cát, chặt lá chuối che tạm lán trú mưa. Nhưng vào cuối năm 2020, trận lũ lớn đã xảy ra. “Năm đó, nước lũ tràn vào tận chân động cát. Bà con luống cuống chạy lũ trong đêm. Ao cá, lợn gà… thiệt hại gần như mất sạch. Ai cũng nói, trận lũ này cả trăm năm nay mới có, lớn hơn nhiều so với lũ lớn của năm 1950”, ông Lanh cho hay. Người dân đang phải đi lại bằng thuyền nhôm. Ảnh: T. Đức. Sau những ngày mưa lớn nước từ sông Kiến Giang lên nhanh ngập đồng và tràn qua Quốc lộ 1A. Khi lũ tràn quốc lộ thì trên đường đã chia đôi “ranh giới” rất rõ ràng. Một bên là nước đục ngầu do lũ trên sông dâng lên và một bên là nước xanh trong hơn do được chảy ra từ chân động cát. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, mưa như có người bưng thùng nước khổng lồ đổ xuống. Nước lũ bạc và nước lũ trong phân chia trên quốc lộ mà dâng lên trông thấy. “Đến trưa thì lũ đã lên dữ. Đỉnh lũ chưa bằng nhưng cũng em út của lũ lớn năm 2020 đó rồi”, ông Lanh nói. Ông Mai Đông, Trưởng thôn Bắc Ngũ cho biết, thôn có hơn 200 hộ dân sinh sống cơ bản phía trong quốc lộ. “Chỉ có trận lũ năm 2020 và trận lũ này mới làm ngập gần như toàn bộ thôn. Cũng có một số gia đình làm không kịp nên ao cá bị trôi, gà vịt bị mất hoặc bị chết. Cả xã ngập hơn 1.300 nhà rồi”, ông Đông cho hay. Những hộ gia đình bị ngập sâu được di dời đến ở tạm tại Trạm y tế xã. Ảnh: T. Đức. Trạm y tế xã nằm bên quốc lộ nơi vùng đất khá cao nên lũ chỉ tràn vào sân. Có 7 gia đình bị ngập sâu nên được di dời ra ở tạm trong các phòng bệnh. Cạnh gầm cầu thang, ba người phụ nữ đang lúi húi chuẩn bị bữa trưa cho tất cả 7 gia đình với gần 30 người. Chị Nguyễn Thị Hằng, vừa luôn tay làm thức ăn vừa trò chuyện: “Bà con ở đây cũng đã được hai hôm nay. Thôi thì lúc bão lũ, ai có gì thì cũng dùng chung với nhau cả. Nấu chín cơm, thức ăn thì tất thảy mọi người đều quây quần ăn với nhau cả thôi mà”. Cả ngày hôm nay không mưa, trời có hửng lên, lũ bắt đầu rút dần, ông Lanh nhìn nước lũ đang cuộn sóng trên cánh đồng trước làng rồi chậm rãi: “Bữa nay, lũ lên nhanh nhưng rút chậm lắm. Phải mất mấy ngày thì nước lũ mới rút ra xa phơi được con đường bê tông cho bà con đi lại”. Chuẩn bị bữa cơm chung cho các gia đình trong những ngày lũ lớn. Ảnh: T. Đức. “Cũng có lý do nữa là khi nâng cấp Quốc lộ 1A lên cao, con đường như thành tuyến đê ngăn lũ rút. Hệ thống cống thoát lũ thời Pháp để lại cao, rộng lắm. Người và trâu ra đồng đi qua cống cũng được mà. Sau này, người ta phá cống cũ hết và làm lại hệ thống cống mới nhỏ lắm nên việc thoát lũ không thành được như trước”, ông Lanh nói thêm.