TIN TỨC

Hiện đại, chuẩn hóa để phòng dịch bệnh trên thủy sản

Nuôi thủy sản theo hình thức hở, phụ thuộc vào môi trường tự nhiên luôn chịu nhiều tác động tiêu cực từ thời tiết. Ảnh: Lê Bình. Dù đã có chuẩn bị phòng bệnh kĩ lưỡng từ đầu năm nhưng những lồng nuôi tôm hùm và cá bè của anh Lê Ngọc Nam (thôn 9, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) vẫn bị ảnh hưởng. Tỉ lệ hao hụt cá vẫn cao hơn so với bình thường. “Tuy tỉ lệ cá mắc bệnh ít hơn, không bỏ ăn nhiều so với trước đây nhưng năng suất không tốt. Hy vọng khi trời tiết ít mưa gió thì các lồng cá sẽ đỡ hơn”, anh Nam chia sẻ. Nhiều hộ nuôi tôm tại huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ cũng ghi nhận bệnh, nhất là mỗi khi mưa nhiều. Tuy nhiên, dịch bệnh xuất hiện ở những hộ nhỏ lẻ, ít có biện pháp bảo vệ. Dịch bệnh nhanh chóng được lực lượng thú y xử lý. Theo Đài Khí tượng Thủy văn Bà Rịa – Vũng Tàu, trong khoảng từ tháng 8 – 9 hàng năm, trên địa bàn tỉnh có nhiều mưa và chịu ảnh hưởng của các đợt bão, áp thấp nhiệt đới. Nguồn nước mưa từ trên bờ đổ xuống làm độ mặn của nước sông giảm đột ngột, gây sốc khiến cá bỏ ăn. Nước mưa cuốn trôi theo các tạp chất từ trên bờ xuống, làm nguồn nước bị thiếu oxy cục bộ. Đó có thể là nguyên nhân chính dẫn đến cá tuột nhớt và chết nhanh. Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh trên thủy sản trên địa bàn tỉnh không quá nghiêm trọng, chỉ xảy ra với phạm vi nhỏ. Đối tượng thủy sản bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đa phần là từ nuôi hở, bị tác động nhiều bởi thời tiết, ô nhiễm môi trường. Con giống tốt, đạt chuẩn cũng là yếu tố quan trọng để hạn chế được dịch bệnh thủy sản. Ảnh: Lê Bình. Theo ông Huỳnh Văn Thêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa – Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, diện tích dịch bệnh trên tôm thương phẩm là 4,8 ha, giảm 71,25% so với cùng kỳ năm 2023. Tôm bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp tỉnh, chủ yếu xảy ra tại các hộ nuôi tôm tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. “Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với địa phương cấp hóa chất để xử lý dịch bệnh với mục đích nhằm cách ly ao bệnh với các ao xung quanh và xử lý môi trường nước diệt mầm bệnh trước khi xả thải ra bên ngoài. Tình hình dịch đến nay tại các hộ nuôi có dịch đã được khống chế và không lây lan”, ông Thêm cho hay. Trong quá trình quan trắc, Bà Rịa – Vũng Tàu không phát hiện trường hợp cá giống và cá nuôi lồng bè nhiễm bệnh hoại tử thần kinh. Tuy nhiên, tháng 10 vừa qua, trên địa bàn xảy ra 1 đợt cá chết bất thường. Chi cục đã hướng dẫn chủ hộ nuôi cá lồng bè các biện pháp xử lý nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. “Một số mẫu cá lồng bè phát hiện trùng quả dưa và vi khuẩn Vibrio spp. với mật độ cao. Cộng với thời tiết bất lợi, mưa nhiều, môi trường nước thay đổi đột ngột, môi trường nước nuôi ô nhiễm cục bộ… có thể là nguyên nhân gây ra đợt cá chết này”, ông Thêm lí giải. Ngoài ra, có 1 đợt cá nuôi nước ngọt bị chết tại khu vực hồ Suối Môn (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ). Nguyên nhân được cho là do nước mưa cuốn trôi chất lắng đọng gây hại trên bờ xuống, cùng với sự hiện diện của trùng quả dưa mật độ cao đeo bám trên mang và thân cá. Điều này làm hạn chế quá trình hô hấp, dẫn đến cá bỏ ăn, yếu và chết dần. Người nuôi thủy sản đang lắp hệ thống bổ sung oxy cho các lồng cá trong những ngày nước đứng. Ảnh: Lê Bình. Hiện, diện tích nuôi tôm trên toàn địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 5.669 ha. Diện tích nuôi lồng bè là 381,5 ha, các đối tượng nuôi chính là cá chẽm, cá bớp, cá mú, cá chim, cá hồng, tôm kẹt, hàu… Còn đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt khoảng 1.817,4 ha. Công tác phòng chống dịch luôn được Sở NN-PTNT ưu tiên hàng đầu. Ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng vào cuộc để hướng dẫn bà con, các doanh nghiệp các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tại các khúc sông Chà Và, sông Dinh… nhiều hộ nuôi cá bè định kỳ vệ sinh lồng nuôi để cá có được môi trường thông thoáng. Hoặc như hộ nuôi cá lồng bè của chị Đoàn Thị Ngà thường xuyên sử dụng hệ thống sục oxy để ‘tiếp sức’ cho cá. Đặc biệt, hệ thống này thường được chị Ngà cho chạy từ 21h đêm – 6h sáng, vì thời điểm này hàm lượng oxy trong nước giảm thấp nhất trong ngày, rất dễ chết. “Kĩ thuật này chúng tôi thực hiện được cán bộ thú y hướng dẫn mỗi khi nước đứng, nước ròng. Cách làm này không tốn nhiều chi phí mà cá lại tránh được nguy cơ thiếu oxy, tránh được nhiều bệnh hoặc chết bất thường”, chị Ngà cho hay. Chi cục Thủy sản cũng khuyến cáo, người nuôi nên tiến hành thu tỉa khi thuỷ sản đạt kích cỡ thương phẩm. Cá cũng nên được cho ăn vừa đủ, cần bổ sung thêm vào thức ăn các loại vitamin, khoáng chất để giúp cá tăng cường sức đề kháng. Kỹ sư Đoàn Văn Nam, Phụ trách Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, người nuôi nên sử dụng con giống cỡ lớn được ương dưỡng trước khi đưa vào nuôi thương phẩm. Đồng thời, phải thực hiện cải tạo ao nuôi kỹ để loại bỏ mầm bệnh trong ao, quản lý điều kiện môi trường ao nuôi và sức khỏe thủy sản. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến sẽ giúp cho vật nuôi thủy sản tránh được các tác động tiêu cực từ thời tiết cực đoan. Ảnh: Lê Bình. “Đối với riêng con tôm thẻ chân trắng, khuyến khích cá nhân, tổ chức nên áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: mô hình nuôi 2-3 giai đoạn, mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, tuần hoàn, ít thay nước… Đây là những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao mà lại ít rủi ro dịch bệnh”, ông Nam chia sẻ. Đó cũng là minh chứng của HTX Nông nghiệp Chợ Bến (xã An Ngãi, huyện Long Điền). Từ khi đầu tư bài bản để nuôi tôm công nghệ cao, có kiểm soát nước mưa và chỉ số nước mà tôm hầu như sạch bệnh, không phải lo lắng mỗi khi mùa mưa tới. Ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng khuyến khích người nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, khép kín và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để phòng bệnh. Nhiều công nghệ tiên tiến cũng được các doanh nghiệp đang sử dụng trong nuôi trồng thủy sản phải kể đến như: Nuôi tôm tuần hoàn nước, nuôi trong hệ bạt lót có mái che, sử dụng chế phẩm sinh học để cải tạo nguồn nước…