TIN TỨC

Hơn 8.000 ha cây trồng ở Bình Phước ảnh hưởng hạn hán

UBND tỉnh Bình Phước vừa có công văn đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, hiện tình trạng nắng nóng kéo dài khiến 1.444 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng hạn hán trên 8.000 ha các loại. Toàn tỉnh có 7/11 huyện, thị bị ảnh hưởng hạn hán là: Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đăng, Đồng Phú, thị xã Bình Long, Hớn Quản và Phú Riềng. Nhiều con suối trên địa bàn Bình Phước dần cạn nước. Ảnh: T.T Nguyên nhân hạn hán được chỉ ra do Bình Phước có địa thế cao khó tích trữ nước, từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024, nắng nóng xảy ra trên diện rộng. Khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày là từ 12 – 16 giờ, nhiệt độ dao động từ 35°C-37°C, có nơi trên 37°C khiến nước bóc hơi nhanh. Bình Phước có 76 công trình thủy lợi, trong đó có 65 hồ chứa (11 hồ chứa lớn, 33 hồ chứa vừa, 21 hồ chứa nhỏ), 9 đập dâng và 1 trạm bơm, 1 hệ thống kênh thủy lợi đang vận hành, khai thác. Tại thời điểm ngày 28/3, mực nước các hồ chứa tiếp tục xuống thấp so với mực nước dâng bình thường (đặc biệt là hồ Đa Bông Cua giảm 3,2m; hồ Bù Ka giảm 2,6m; hồ Bình Hà giảm 1,82m; hồ An Khương giảm 1,8m; hồ Bàu Sen giảm 1,8m)…. Trước thực tế này, UBND tỉnh Bình Phước có công văn đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Về phía ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cũng đã đưa ra giải pháp khắc phục hạn hán cần thực hiện, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động sử dụng nước tiết kiệm, tổ chức huy động nhân dân nạo vét các ao, hồ tích nước nhằm dự trữ nước phục vụ cho sinh hoạt; sử dụng các vật dụng che ẩm, chống bay hơi mất nước cho cây trồng, khuyến cáo sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước hợp lý, tránh lãng phí. Hỗ trợ xe bồn vận chuyển nước đến các điểm dân cư bị hạn hán, những nơi không có nguồn nước. Khoan giếng, đào giếng mới để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là cụm dân cư đồng bào dân tộc, biên giới, thôn, ấp khó khăn. Người dân áp dụng các phương pháp tiết kiệm nước trong canh tác. Ảnh: T.T. Thực hiện chính sách hỗ trợ đối với những hộ thiếu nước sinh hoạt, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán theo quy định để chủ động mua nước sinh hoạt, mua các thùng trữ, hướng dẫn người dân đào giếng, khoan giếng, hỗ trợ xăng dầu bơm tưới vượt định mức… từ nguồn ngân sách địa phương hoặc quỹ phòng, chống thiên tai. Tổ chức kiểm tra, thống kê diện tích cây trồng có khả năng thiếu nước, trên cơ sở cân đối nguồn nước để sử dụng nước hợp lý. Ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao khi hạn hán xảy ra. Phối hợp Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước xây dựng lịch điều tiết nước để sử dụng hiệu quả nguồn nước. Tiếp tục tổ chức kiểm tra thực tế vùng bị ảnh hưởng hạn hán để chỉ đạo thực hiện các phương án phòng, chống hạn hán cho nhân dân. Tăng cường nạo vét kênh mương, cửa lấy nước, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn…