TIN TỨC

Hưng Yên xây dựng mô hình nuôi cá chép là chính trong ao

Mô hình triển khai tại 6 huyện, thị xã của tỉnh. Tổng diện tích ao hồ nuôi thả 3ha, trong đó có 6 hộ nuôi trực tiếp. Các hộ này đều đáp ứng tốt các điều kiện nuôi trồng thuỷ sản theo quy định. Loại cá đưa vào hỗ trợ là giống chép lai V1. Bên cạnh nuôi cá chép là chính, các hộ còn tự bỏ vốn mua thêm một số giống khác để nuôi lồng ghép theo cơ cấu 50% cá chép + 20% cá trắm cỏ + 15% cá trôi + 15% cá mè nhằm tăng giá trị thu nhập mà không cần tăng diện tích nuôi thả. Cấp hỗ trợ cá giống cho các hộ trong mô hình nuôi thuỷ sản. Ảnh: Thu Hà. Đến nay, các hộ trong mô hình rất phấn khởi vì các loại cá nuôi đang lớn nhanh và an toàn dịch bệnh. Bà Trần Thị Thu Hà, cán bộ khuyến nông phụ trách mô hình cho hay, có được bước đầu đáng khích lệ này là do trước khi xuống giống, bà con được hướng dẫn chuẩn bị ao nuôi cẩn thận như phát quang bờ, kiểm tra đăng cống, tháo cạn nước, lấp hết hang hốc ven bờ, dùng máy hút bớt bùn, thu dọn cỏ rác, san phẳng đáy ao, rải vôi bột đều khắp ao (liều lượng 8 – 10kg/100m2) để diệt tạp, khử trùng, cân bằng pH và cung cấp canxi cho cá nuôi. Sau khi xử lý vô bột, ao được phơi 5 – 7 ngày tới nứt chân chim cho thoát hết khí độc tích tụ dưới đáy ao, sau đó bón lót mỗi 100m2 ao từ 30 – 40kg phân chuồng, 40 – 50kg lá xanh, dùng cào xới 2 lượt để phân chuồng và lá xanh quyện lẫn với bùn. Lúc đó mới cấp khoảng 0,5m nước vào ao ngâm 5 – 7 ngày, khi thấy nước chuyển màu xanh nõn chuối thì bơm nâng mực nước ao lên 1m và tiến hành thả cá giống. Ngoài ra, nước cấp vào ao cũng được lắng lọc kỹ qua lưới để phòng cá dữ theo vào và mang theo mầm bệnh vào ao, trước đó khi hút vét đáy ao vẫn để lại lớp bùn dày khoảng 25cm để vừa làm thức ăn tự nhiên cho cá chép vừa tạo nơi cho cá chép vùi mình theo tập tính. Mô hình nuôi cá chép là chính trong ao. Ảnh: Hải Tiến. Về con giống, ngay từ đầu năm, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi, chỉ chọn mua cá giống từ cơ sở có đủ tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, con giống phải đạt yêu cầu theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9586:2014 về cá nước ngọt và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 02-33-1:2020/BNNPTNT về giống cá nước ngọt. Cụ thể, mật độ nuôi 2 con/m2; kích cỡ giống khi thả đối với cá chép lai V1 dài ≥ 9cm (50 con/kg); cá trắm cỏ dài ≥ 12cm (25 – 30 con/kg); cá mè ≥ 12cm/con (35 – 40 con/kg); cá trôi ≥ 9cm/con (50 con/kg). Các loại cá giống bao gồm cả cá hỗ trợ (chép lai V1) đều đảm bảo khỏe mạnh, không dịch bệnh, không mất nhớt, rách vây, tróc vảy, phản xạ nhanh với tiếng động và bơi lội hoạt bát theo đàn. Con giống trước khi thả nuôi được tắm qua dung dịch muối NaCl 3% khoảng 15 phút. Sau khi xuống giống 30 phút, nếu thấy cá yếu hoặc chết sẽ tạm ngừng việc thả cá để xử lý lại nước ao. Cho cá ăn theo phương pháp “4 định” (định lượng, định chất, định vị trí và định thời gian). Khẩu phần cá ăn mỗi ngày bằng 2 – 3% khối lượng cá dưới ao. Cho cá ăn 2 lần/ngày (sáng, chiều) vào lúc trời không mưa, nhiều ô xy. Lưu ý, cá càng lớn càng giảm lượng thức ăn. Bên cạnh cho cá ăn rau cỏ, cám ăn công nghiệp, cám gạo, bột ngô, bột sắn, có thể bổ sung thêm cua, ốc, nhái, rong, rêu, bèo, lá chuối, giun đất và các chế phẩm sinh học để giúp cá tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tăng sức đề kháng, tăng trọng nhanh. Cấp hỗ trợ thức ăn nuôi cá cho các hộ trong mô hình. Ảnh: Thu Hà. Cùng với đó, phải thường xuyên theo dõi sức ăn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn và khẩu phần ăn phù hợp, thừa hoặc thiếu thức ăn đều không tốt cho nuôi cá. Ngoài ra, định kỳ 15 ngày/lần phải thay mới nước ao, mỗi lần thay 30% lượng nước cũ trong ao. Đồng thời tăng dần mực nước trong ao theo mức độ tăng trọng của cá, khi thời tiết bất lợi cần bổ sung thêm vitamin C và các ion hoà tan nhằm giúp cá tăng cường sức chống chịu… Hiện các cán bộ khuyến nông đang bám sát mô hình, chỉ đạo các hộ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi cá đã được tập huấn và khắc phục kịp thời những vướng mắc phát sinh nếu có. Ông Đỗ Phi Hùng ở thôn Nội Thượng xã An Viên (huyện Tiên Lữ) cùng có chung đánh giá với các hộ khác trong mô hình: Nuôi thuỷ sản theo kỹ thuật nêu trên, chắc chắn sau 8 tháng, khối lượng cá chép V1 sẽ đạt quân bình 1,6kg/con, tỷ lệ hao hụt cũng thấp hơn nhiều so với mức dự kiến. Bên cạnh trình diễn mô hình nuôi cá là chính trong ao, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên còn thực hiện một số mô hình nuôi thuỷ sản khác như mô hình nuôi ghép cá trắm trong ao đất với tổng diện tích 2ha và các mô hình nuôi cá rô phi và diêu hồng trong lồng bè trên sông Hồng, sông Luộc với tổng thể tích lồng cá các mô hình là 1.670m3. “Hưng Yên là địa phương không có nhiều lợi thế cho nuôi trồng thuỷ sản nhưng luôn được Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, trực tiếp là Sở NN-PTNT quan tâm chỉ đạo, đầu tư hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh vẫn duy trì được trên 5.000ha ao hồ, mặt nước nuôi thả các loại cá nước ngọt như chép, trắm, trôi…, ước giá trị thu hoạch đạt 1500 tỷ/năm, chiếm 11,3% giá trị của ngành sản xuất nông nghiệp”, ông Đỗ Trọng Thạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên cho biết.