TIN TỨC

Huyện Quỳ Châu vướng nhiều sai phạm trong quản lý ngân sách

Hàng loạt sai phạm nổi cộm trong công tác quản lý, điều hành ngân sách tại huyện Quỳ Châu đã được Thanh tra tỉnh Nghệ An nêu rõ. Ảnh: Khôi An. Nhộm nhoạm trong xây dựng cơ bản Huyện miền núi Quỳ Châu nằm trong vùng kinh tế Phủ Quỳ, là trung tâm của Tây Bắc Nghệ An. Với 60% diện tích là rừng, lâm nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm ở nơi đây, ngoài ra còn có nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm như đá quý, vàng, quặng… Dù sở hữu nhiều tiềm năng nhưng bức tranh kinh tế, xã hội của Quỳ Châu chưa thực sự nổi bật, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn khó khăn, số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhất là vùng sâu, vùng xa. Bởi thế việc Thanh tra tỉnh Nghệ An chỉ ra hàng loạt vấn đề nổi cộm xoay quanh công tác quản lý, điều hành ngân sách tại địa phương này khiến dư luận không khỏi xôn xao. Về tổng thể, dự toán thu chi cân đối ngân sách của huyện Quỳ Châu trong năm 2023 đạt mức trên 296 tỷ đồng, bằng 102,04% so với kế hoạch, phần vượt dự toán là do chi cải cách tiền lương. Qua thanh tra phát hiện UBND huyện chưa đưa vào dự toán trả nợ vốn vay theo dự toán đã được UBND tỉnh giao trước đó. Ngoài ra, dự toán chi thường xuyên do UBND huyện giao chưa sát với thực tế, dẫn đến việc phải bổ sung nhiều lần trong năm. Một số nội dung chi đặc thù nhưng chưa thuyết minh cơ sở tính toán, căn cứ tính toán, chưa phân bổ chi tiết. Bên cạnh đó, huyện này cũng chưa bố trí đủ vốn để xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản, còn để phát sinh nợ là chưa đúng với Luật Đầu tư công và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện có vấn đề. Ảnh: Khôi An. Nổi cộm hơn cả là những “sai số”  xoay quanh công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản và thực trạng giải ngân vốn chậm mặc dù đã được bố trí kinh phí từ đầu năm. Ghi nhận đến ngày 31/12/2023 có tổng cộng 89 công trình, dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thực hiện quyết toán vốn đầu tư hoàn thành. Không chỉ có thế, đến cuối năm 2023 phát hiện có 41 công trình, dự án có giá trị thanh toán cao hơn giá trị phê duyệt quyết toán cần phải thu hồi nộp, trả ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí hơn 645 triệu đồng. Lý giải nguyên do, huyện Quỳ Châu viện dẫn: Một số công trình, dự án được quyết toán từ lâu; một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã giải thể, sát nhập; một số nhà thầu xây dựng ngoài huyện không có công trình thi công trên địa bàn, dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi (?!) Thanh tra nêu rõ, tổng mức đầu tư của 45 công trình, dự án đạt gần 104 tỷ đồng nhưng giá trị quyết toán được phê duyệt chỉ dừng lại ở mức trên… 99 tỷ đồng mà thôi. Qua sàng lọc, Đoàn thanh tra phát hiện một số sai phạm với tổng giá trị trên 720 triệu đồng, hình thức chủ yếu như sau: Khối lượng dự toán một số công trình lập không chính xác so với hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công; tính trùng, tính sai số dẫn đến tăng giá trị dự toán; áp dụng đơn giá không đúng với yêu cầu kỹ thuật trong bản vẽ; cán bộ giám sát ký xác nhận khối lượng và hồ sơ hoàn công một số công trình không đúng thực tế; có 24/45 công trình lập hồ sơ quyết toán A-B, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chậm thời gian theo quy định; bản vẽ thiết kế một số công trình không thể hiện rõ chi tiết để làm cơ sở lập dự toán, thi công… Trách nhiệm thuộc về ai? Đối với những sai phạm trong công tác lập, giao dự toán chi ngân sách Nhà nước, Thanh tra tỉnh Nghệ An khẳng định trách nhiệm trước hết thuộc về Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện và các cá nhân tham mưu trong công tác lập, phân bổ, giao dự toán các nguồn kinh phí. Trách nhiệm về quản lý Nhà nước và trách nhiệm người đứng đầu thuộc về Chủ tịch UBND huyện, các Phó Chủ tịch UBND huyện được phân công tham mưu theo ngành, lĩnh vực. Huyện Quỳ Châu sẽ làm nghiêm hay giơ cao đánh khẽ là điều dư luận thực sự quan tâm. Ảnh: Khôi An. Trong khi đó, trách nhiệm để xảy ra những sai phạm, khuyết điểm trong đầu tư xây dựng cơ bản thuộc về Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, Trưởng các phòng, ban, bộ phận được giao thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; Trưởng ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn… Về quản lý chi thường xuyên, ghi nhận một số nguồn kinh phí có mục tiêu ngân sách tỉnh giao từ đầu năm nhưng UBND huyện Quỳ Châu chậm phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị thực hiện. Đáng nói hơn, một số nguồn (bổ sung có mục tiêu) đã cấp cho các phòng chuyên môn thuộc huyện, xã… đã hết nhiệm vụ chi cần thu hồi để nộp, trả ngân sách tỉnh, hoặc giảm trừ dự toán năm sau với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Dù vậy đến thời điểm ban hành Kết luận Thanh tra (15/7/2024) huyện này vẫn chưa nộp trả đầy đủ, tính ra còn thiếu hơn… 770 triệu đồng. Thanh tra tỉnh kiến nghị, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Đôn đốc thu hồi đầy đủ số tiền sai phạm hơn 230 triệu đồng vào tài khoản “Tạm giữ chờ xử lý”. Kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu thu hồi hơn 118 triệu đồng thanh toán quá so với quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, đồng thời nộp trả ngân sách tỉnh hơn 770 triệu đồng từ các nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu nhưng không còn đối tượng chi và hết nhiệm vụ chi…