TIN TỨC

Kỳ tích ở Chiềng Khương

Một góc xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã) hôm nay. Ảnh: Tùng Đinh.  Biến đất dốc thành thủ phủ cây trái Trụ sở xã Chiềng Khương cũng nằm trên một sườn đồi, dưới chân dãy núi Mường Hung lịch sử. Cây trái bao quanh, trước mặt là dòng sông Mã cuồn cuộn chảy. Xa xa, những vườn cây ăn quả từ bờ sông xếp chồng xếp lớp lên tít trên đỉnh đồi, hệt như những thửa ruộng bậc thang mà người vùng cao thường gọi là vân của núi. Nếu tỉnh Sơn La thường được mệnh danh là miền đất dốc thì Chiềng Khương giống như một trong muôn vàn vùng cao biên giới khác, xa xôi và lắm gian nan.  Chủ tịch xã Lò Văn Loan, một người Thái ở Chiềng Khương nhấp chén trà mạn, trầm ngâm hồi tưởng: Ngày trước cả một dải đất vùng biên dưới chân núi Mường Hung này là rừng hoang, những năm 1965 người dưới xuôi lên cùng với đồng bào khai phá trồng cây cánh kiến đỏ. Hết thời bao cấp, lâm trường giải thể, bà con ào ào chuyển sang trồng ngô. Nhưng vì địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn nên cứ canh tác được một vụ là đất lại bị rửa trôi. Cộng với thói quen sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học vô tội vạ nên không ít diện tích nương rẫy trở thành đất chết, hoàn toàn không còn độ phì nhiêu, dinh dưỡng trong đất. Rừng mất, đất đai sản xuất rộng lớn nhưng vẫn cứ đói nghèo là vì thế. “Cũng may mà biết cách thay đổi sớm, mới được như bây giờ”, giọng ông Loan đột nhiên tươi tắn. Chiềng Khương hôm nay không chỉ là thủ phủ của cây ăn quả của huyện Sông Mã với diện tích xấp xỉ khoảng 1.000ha mà còn là xã vùng cao biên giới đầu tiên của tỉnh Sơn La về đích nông thôn mới. 21 bản, xấp xỉ 3.000 dân, bản nào cũng một màu xanh của rừng và cây trái. Nhà cửa, vườn tược khang trang đã là một nhẽ, vào những dịp huyện, tỉnh tuyên dương hộ sản xuất nông nghiệp giỏi chẳng mấy khi vắng bóng người Chiềng Khương. Không ít gia đình trở nên giàu có, sắm được xe hơi, xây nhà lầu từ nhãn, từ xoài. Kỳ tích ấy, bà con ví von đơn giản chỉ là biết cách sinh sống hài hòa hơn với đất. Một góc vùng đất dốc Chiềng Khương. Ảnh: Tùng Đinh.  Hơn 10 năm trước, khi tỉnh Sơn La có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, Chiềng Khương là xã vùng cao biên giới nhưng lại nằm trong số những đơn vị phất cờ tiên phong. Có chính sách hỗ trợ, được các nhà khoa học dưới Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam lên nghiên cứu, hướng dẫn, cả vùng cao bước vào công cuộc mới. Đầu tiên là cải tạo diện tích trồng ngô, vận động bà con không đốt bỏ xác thực vật để phủ đất, vừa giữ nước, vừa tạo độ mùn cho đất. Cải tạo các sườn đồi có độ dốc lớn thành những tiểu bậc thang nhằm hạn chế rửa trôi, xói mòn, đồng thời che phủ đất bằng tàn dư thực vật sẵn có. Tiếp đó là thay đổi phương thức canh tác, tăng cường sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, tăng độ tơi xốp cho đất, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để vừa tiết kiệm chi phí, vừa hồi sinh những vùng đất dốc tưởng như không còn canh tác được nữa. Sau một thời gian, Chiềng Khương trở thành vùng đất trù phú. Ông Bùi Văn Quang, một tỷ phú trồng nhãn ở bản Quyết Thắng chia sẻ: Ngày trước nói chuyện chuyển đổi khó khăn lắm, nhưng bây giờ ở trên này bà con đang chuyển dần sang trồng nhãn hữu cơ rồi. Cả bản có 63 hộ dân, nhà nào cũng trồng nhãn, sống nhờ nhãn. Vườn nhà ai cũng đẹp tựa bonsai, nhìn rất sinh thái. Bà con không chỉ biết cách trồng, cách chăm sóc nhãn cho năng suất cao mà còn trồng xen canh các loại cây khác ở quanh gốc, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), biết cách bảo vệ thiên địch, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe con người… Tỷ phú nhãn Bùi Văn Quang. Ảnh: Tùng Đinh.  Đồi nhãn gia đình ông Quang chạy dọc sườn núi ven sông Mã, rộng hơn 10ha. Đứng dưới bờ sông nhìn lên không khác gì một vườn cây cảnh khổng lồ chênh vênh trên đồi. Đất ấy, ông Quang bảo ngày trước toàn trồng ngô với cây lâm nghiệp, cực nhọc lắm mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Đất dốc nên chỉ làm được một vụ, sau mùa mưa lại phải đổ vào đấy không biết bao nhiêu phân bón mới có thể làm vụ tiếp theo. Kể từ khi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, đời sống gia đình khá giả đã đành, con người cũng khoẻ, đất đai càng khoẻ. 10ha trồng nhãn vợ chồng ông Quang cải tạo thành bậc thang, trồng thêm cây thấp tán, chỉ thỉnh thoảng mới phát cỏ tấp vào gốc, vừa giữ độ ẩm, độ mùn cho đất vừa bổ sung chế phẩm vi sinh làm phân bón hữu cơ. Bình thường mỗi năm gia đình ông Quang thu tầm 100 tấn nhãn, năm nay nắng nóng kéo dài, tỷ lệ đậu quả không nhiều nhưng nhờ giá bán cao kỷ lục (hơn 50 nghìn đồng/kg) nên cũng đút túi hơn 3 tỷ đồng. “Thay đổi trên vùng đất dốc ở Chiềng Khương đúng là một cuộc cách mạng”, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã vui mừng. Từ “đốm lửa” Chiềng Khương, đến nay Sông Mã đã trở thành vùng cây ăn quả rộng lớn của tỉnh Sơn La với diện tích đã xấp xỉ 11.000ha. Chiềng Phung, Huổi Một, Nà Nghịu, Nậm Mằn… mỗi vùng đất dốc giờ đây là một vùng cây ăn quả rộng lớn, sản lượng hằng năm gần 50.000 tấn, vượt kế hoạch, mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện Sông Mã đề ra. Ngoài diện tích nhãn gần 8.000ha, Sông Mã cũng đã hình thành 1.820ha xoài, 312ha chuối, 112ha mận, 117ha dứa, 160ha bưởi…, đa phần đều ở trên đất dốc, trên những sườn đồi trồng ngô thuở trước. “Chỉ trừ những vùng quá khó khăn về nước tưới, còn lại bà con đều cải tạo để trồng cây ăn quả. Đất dốc Sông Mã hôm nay “khỏe” hiếm có nơi nào bằng và mỗi ha đất cho thu nhập tiền tỷ ngày càng phổ biến”, Phó Chủ tịch huyện Sông Mã, Nguyễn Tiến Hải hào hứng. Cuộc cách mạng của Sơn La Không chỉ Chiềng Khương hay Sông Mã mà Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu và nhiều vùng đất dốc khác ở Sơn La hôm nay màu xanh của cây trái, của cà phê chè và màu xanh của rừng đã và đang dần thay thế diện tích trồng ngô bạc màu trước kia. Hiện nhiều diện tích đất dốc ở Sơn La trồng cây ăn quả cho thu nhập tiền tỷ/ha mỗi năm. Ảnh: Tùng Đinh. Đất khoẻ sinh ra những mô hình bạc tỷ. Đất khoẻ giúp nông sản Sơn La dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN–PTNT tỉnh Sơn La trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam: Cuộc cách mạng trên đất dốc giờ đây đã lan tỏa đến những vùng xa xôi nhất. Rõ ràng nhất là ở Cò Nòi (huyện Mai Sơn). Ngày trước nơi đây là thủ phủ ngô lớn nhất tỉnh Sơn La nhưng hôm nay đã trở thành thủ phủ cây ăn quả. Nhờ cuộc cách mạng trên đất dốc mà sinh ra những mô hình như hộ ông Bùi Văn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Xây dựng và Nông nghiệp Bảo Khánh có ngày thu 4 – 5 tấn na Thái, bán với giá 100 nghìn đồng/kg. Hay mô hình ông Nguyễn Đình Lâm (Giám đốc HTX Tân Thảo) trồng mỗi ha dâu tây thu về 1 tỷ đồng… Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Sơn La chia sẻ thêm: Với diện tích hơn 84 ngàn ha cây ăn quả, Sơn La đang trên đường trở thành thủ phủ cây trái lớn nhất cả nước. 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ đạt gần 190 nghìn tấn, đem lại giá trị xấp xỉ 2,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó dâu tây đạt hơn 7,3 nghìn tấn, thu hơn 502 tỷ đồng; mận gần 50 nghìn tấn, thu hơn 851 tỷ đồng; nhãn, chuối, dứa xoài cũng đang vào cuối vụ, mục tiêu xuất khẩu nông sản vượt cột mốc 177,6 triệu USD của năm 2023, đạt 186 triệu USD trong năm 2024 đang rất khả thi. Na trên đất dốc ở Mai Sơn. Ảnh: Hoàng Anh.  Cũng nhờ cuộc cách mạng trên đất dốc thành công, giờ đây Sơn La đang tập trung đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng. Tính đến tháng 6/2024, tỉnh Sơn La đang duy trì 218 mã số vùng trồng và 10 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 211 mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ… với diện tích hơn 3 nghìn ha. Một loạt sản phẩm đặc trưng đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận như “Nhãn Sông Mã”, “Nhãn Sơn La”, “Dứa Sơn La”, “Xoài Sơn La”, “Thanh long Sơn La”, “Mận Sơn La”… “Sơn La đang từng bước chuyển dịch mạnh mẽ để xây dựng nền nông nghiệp xanh, nhanh và theo hướng tổ chức sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao. Với diện tích trồng trọt hàng năm hơn 200 nghìn ha, chủ yếu là trên đất dốc nên việc bồi bổ cho đất dốc chính là sứ mệnh để hiện thực khát vọng đó”, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Sơn La nói.