Liên kết để nông sản tiếp cận thị trường tốt hơn
Tõa đàm thu hút nhiều địa phương tham gia. Ảnh: Tuấn Anh. Ngày 8/11, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức tọa đàm cập nhật thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường trong và ngoài nước. Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 51 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong những sản phẩm có giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD có các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên như: Hạt tiêu, cao su, điều, cà phê, rau quả… Từ kết quả trên cho thấy, đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Đặc biệt, thói quen của người tiêu dùng cũng đang dần có sự thay đổi theo hướng tập trung hơn vào sự an toàn, chất lượng, tiết kiệm và tối đa hóa lợi ích. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa nông sản phải nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến sản phẩm, thường xuyên cập nhật các quy định, yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và xu hướng tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh. Vì vậy, việc phổ biến, cập nhật thường xuyên và định kỳ các thông tin, quy định thị trường và xu hướng tiêu dùng từng thời điểm sẽ rất cần thiết cho việc định hướng chiến lược sản xuất của người sản xuất, doanh nghiệp. Đối với các cơ quan chức năng sẽ có những chính sách phù hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giao thương, mua bán, xuất nhập khẩu. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, các hệ thống phân phối hiện đại nhận thấy việc hợp tác cùng các doanh nghiệp sản xuất và phân phối sẽ góp phần mang các đặc sản nội địa tới người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn cũng như góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa hơn nữa. Trong nhiều năm, các hệ thống bán lẻ hiện đại đã đồng hành cùng với các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, các HTX và nông hộ, nhằm phát triển bền vững nguồn hàng hóa cho hệ thống bán lẻ hiện đại trên toàn quốc, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Để sản phẩm nông sản có mặt trên kệ hàng, quy trình và yêu cầu đặt ra từ nhà phân phối nói chung cần đảm bảo tính nghiêm ngặt, hướng đến chất lượng cao nhất. Các doanh nghiệp, HTX cần phải thực hiện đánh giá hồ sơ năng lực và lựa chọn nhà cung cấp, thẩm định hồ sơ pháp lý và hồ sơ chất lượng nhà cung cấp, hoàn thành thủ tục thanh toán và Kiểm soát chất lượng tại kho trung chuyển và trong quá trình bày bán. “Để làm rõ hơn các yêu cầu đối với mặt hàng nông sản khi được đưa vào kênh bán lẻ, yếu tố quan trọng nhất luôn là an toàn và chất lượng. Đầu tiên, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không chứa hóa chất độc hại hoặc chất bảo quản. Tiếp theo, nhà cung cấp cần đảm bảo nguồn cung ổn định quanh năm hoặc theo mùa vụ, có kế hoạch sản xuất dự phòng khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, bao bì và nhãn mác cần thể hiện rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Cuối cùng, về giá cả, các sản phẩm nông sản cần đảm bảo mức giá hợp lý và cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng”, bà Lan chia sẻ. Chất lượng nông sản của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ảnh: Tuấn Anh. Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo cho biết, tiềm năng của nghề ong Việt Nam nói chung và của Tây Nguyên nói riêng là rất lớn. Ngoài các tỉnh miền Bắc và miền Trung thì Tây Nguyên cũng là một trong các vùng cung cấp nguyên liệu mật ong lớn cho công ty. Để phát huy tiềm năng của ngành ong ở Tây Nguyên, ông Trường cho rằng, cần nâng cao chất lượng các sản phẩm ngành ong, cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực cho mật ong Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, chế biến. Ông Bùi Đức Thiện, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk cho biết, để tận dụng, khai thác những tiềm năng, lợi thế và hội nhập thương mại sâu rộng, ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo, triển khai các giải pháp để thúc đẩy hoạt xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của tỉnh tiếp cận và tận dụng cơ hội của 16 hiệp định thương mại tự do với các đối tác song phương, đa phương để sản phẩm nông sản của tỉnh Đăk Lăk được tham gia vào các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm; thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, tổ hợp tác, nhằm tạo ra những vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, tạo sản phẩm đồng nhất có số lượng lớn, đáp ứng được yêu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài. Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu lại toàn bộ quy định, nhu cầu thị trường để giúp các sản phẩm nông sản tiêu thu được tốt hơn. Ông Hòa cũng cho rằng, các doanh nghiệp, HTX trong thời gian tới cần liên kết lại với nhau, không chỉ trong địa phương mà cả ở các tỉnh khác để tạo ra nguồn cung đủ lớn và chất lượng sản phẩm đảo bảo nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu được tốt hơn.