TIN TỨC

Mong muốn Đan Mạch hỗ trợ trong giảm thiểu thất thoát lương thực, thực phẩm

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với Tham tán Thương mại Đan Mạch Lasse Pedersen Hjortshoj. Ảnh: Linh Linh. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam và Đan Mạch có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Năm 2013, hai nước ký thỏa thuận hợp tác toàn diện mà Đan Mạch là một trong những nước Bắc Âu đầu tiên ký kết thỏa thuận này với Việt Nam. Năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa hai nước. Đây là những căn cứ quan trọng để hai bên hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, kim ngạch hai chiều giữa hai bên chưa tương xứng với sự tăng trưởng của quan hệ kinh tế – xã hội. Năm 2023, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước chỉ đạt 356,64 triệu USD, giảm 27,9%. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kỳ vọng, trong nhiệm kỳ mới của Tham tán Thương mại Lasse Pedersen Hjortshoj, hai bên sẽ phục hồi được tăng trưởng trong thương mại nông nghiệp. Tại cuộc gặp, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nêu một số đề xuất để hai bên cùng làm việc nhằm khai thác lợi thế, chiều sâu của mối quan hệ đôi bên, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại nông nghiệp. Thứ nhất, đề nghị Đan Mạch hỗ trợ về giảm chi phí sản xuất, nguyên liệu đầu vào, kiểm nghiệm kiến thức chuyên môn, tác động môi trường trong quản lý tài nguyên bền vững trong các lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,… nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp nói chung. Thứ hai, đề nghị Đan Mạch phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, các viện, trường phía Việt Nam để nghiên cứu xây dựng các cái đề án giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp. Thứ ba, thiết lập kênh quan hệ đối tác công tư (PPP). Thứ tư, giảm thất thoát trong sản xuất lương thực, thực phẩm theo chuỗi từ ao nuôi đến bàn ăn, từ đồng ruộng đến bàn ăn. Thứ năm, thúc đẩy hợp tác giữa Hội đồng nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch; các doanh nghiệp Đan Mạch và các hiệp hội doanh nghiệp về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất thức ăn chăn nuôi, các hiệp hội ngành hàng tương ứng của Việt Nam có sự hỗ trợ Tham tán, Đại sứ Đan Mạch tại Hà Nội. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, mối quan hệ giữa hai nước đang rất tốt đẹp, hai bên có thể tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế và bổ trợ cho nhau trong thời gian tới trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định mối quan hệ giữa Việt Nam và Đan Mạch đang rất tốt đẹp. Ảnh: Linh Linh. Về phía Đan Mạch, Tham tán Thương mại Lasse Pedersen Hjortshoj ghi nhận những trăn trở của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến về định hướng thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai bên trong thời gian tới. Theo ông Hjortshoj, trong 25 năm qua, Đan Mạch đã cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, thủy sản, nước, môi trường, năng lượng và nhiều lĩnh vực khác. Với sự tăng trưởng ấn tượng, ổn định của Việt Nam, mối quan hệ song phương đã phát triển thành quan hệ đối tác bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Trong tình hình mới, Bộ NN-PTNT luôn là đối tác then chốt, quan trọng trong việc thực hiện đối tác chiến lược xanh, cùng với hợp tác chiến lược ngành. Bộ NN-PTNT là một trong những đơn vị đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ngành với Đan Mạch, tập trung vào mặt an toàn thực phẩm và chống thất thoát, lãng phí thực phẩm. Năm 2023, hai nước đã thiết lập Đối tác Chiến lược Xanh (gọi tắt là GSP). Đây là cơ sở đặt ra định hướng hợp tác ở mức cao nhất giữa Chính phủ với Chính phủ, hợp tác cấp ngành với các hợp tác chiến lược, tạo điều kiện, cơ hội thương mại cho doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Hợp tác Đối tác nhấn nhấn mạnh vào quá trình chuyển đổi xanh trong các mảng năng lượng, môi trường, sức khỏe nông nghiệp và thực phẩm. Đối tác chiến lược xanh cũng nhằm giúp hai bên thực hiện Tuyên bố Paris về giảm phát thải ròng. Theo Tham tán Thương mại Đan Mạch, về riêng mảng nông nghiệp và thực phẩm, đây cũng là một thách thức đòi hỏi các bên cùng phải cố gắng để hoàn thành mục tiêu. Về các đề xuất của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Đan Mạch đang thực hiện tích cực việc giảm chi phí đầu vào sản xuất, tăng sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Quốc gia Bắc Âu đang có quy định mới về đánh thuế carbon trong chăn nuôi, và nông nghiệp, tăng cường đổi mới về công nghệ và thiết bị để giảm chi phí sản xuất. Phía Đan Mạch mong muốn chia sẻ những công nghệ mới và chính sách mới liên quan đến nội dung này với Việt Nam. Đan Mạch sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ giúp Việt Nam giảm chi phí đầu vào sản xuất, tăng sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Ảnh: Quỳnh Chi. Ông Hjortshoj cho biết, tháng 5 vừa qua đánh dấu một cột mốc quan trọng, khi Bộ trưởng Bộ Thực phẩm Nông nghiệp, Thủy sản Đan Mạch đến thăm Việt Nam và hai bên đã thông qua giai đoạn ba của chương trình Hợp tác ngành chiến lược dài hạn (SSC) về an toàn thực phẩm; đồng thời ký biên bản ghi nhớ, cập nhật về tăng cường hợp tác trong sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi bền vững và hiệu quả về tài nguyên. Đây được đánh giá là một chương mới trong hành trình của hai nước trong hợp tác thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm. “Chúng tôi đánh giá cao các cuộc họp gần đây của Bộ NN-PTNT với nhiều quốc gia, trong đó có Đan Mạch về việc xuất khẩu các sản phẩm thịt sang Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn hợp tác chặt chẽ để quá trình xuất khẩu của các nước sang Việt Nam được suôn sẻ”, đại diện Thương mại Đại sứ quán Đan Mạch cho biết, khẳng định cơ quan thú y của Đan Mạch sẽ làm việc chặc chẽ với Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) để tháo gỡ các khó khăn. Về hợp tác PPP, Đan Mạch có Hội đồng thực phẩm quốc gia, sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam câu chuyện về thực hành chuỗi thức ăn từ trang trại đến bàn ăn. Ông Hjortshoj cũng đề nghị hai bên thúc đẩy để doanh nghiệp hai nước làm việc, hợp tác ứng dụng công nghệ tiên tiến trong giảm thất thoát lương thực, thực phẩm.