Một xã thu trên 100 tỷ đồng/năm nhờ trồng bưởi tôm vàng an toàn
Bà Nguyễn Thị Quyền mấy năm phát triển cây bưởi không chỉ nuôi được con ăn học mà còn xây được mấy ngôi nhà cao tầng. Ông Phan Văn Hào, ông Nguyễn Văn Trung, ông Nguyễn Quang Hợp… nhờ trồng bưởi mà thu nhập mỗi năm cũng một vài trăm triệu đồng. Chị Đỗ Thị Giang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) không giấu được niềm tự hào cho tôi biết như vậy. Vườn bưởi tôm vàng ở trong làng của bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: Dương Đình Tường. Là một xã ven đô nên diện tích đất nông nghiệp của Thượng Mỗ chỉ vào khoảng 240ha, ngoài 173ha bưởi tôm vàng, còn lại là trồng các loại cây ăn quả như ổi, đu đủ, na và lúa. Cái tên bưởi tôm vàng mới xuất hiện cách đây chừng 30 năm khi một số nông dân xã Thượng Mỗ tìm đến làng Diễn của Từ Liêm (TP Hà Nội) để mua giống về. Cùng là bưởi Diễn nhưng trồng ở đất Thượng Mỗ lại khác ở đất làng Diễn, quả có tôm màu vàng tươi, vị ngọt, hương thơm dịu nên bà con đã gọi luôn là bưởi tôm vàng cho dễ nhớ. Năm 1993, ông Phan Văn Hào ở đội 2 (xã Thượng Mỗ) đã đi đầu trong phong trào dồn ô đổi thửa để hình thành nên một vườn bưởi Diễn rộng 6 sào. Theo ông Hào, bưởi Diễn rất khó tính nên phải chú ý trong cách chăm sóc và đặc biệt là yêu cầu chọn đất khắt khe. May mắn là ở khu Sau Thầy của đội 2 có khoảng 4ha đất sỏi ruồi pha gan gà rất phù hợp cho cây bưởi Diễn sinh trưởng, phát triển và cho vị quả ăn khác biệt hẳn với những đội bên, dù khoảng cách chỉ là vài trăm mét. Mấy năm nay ông Hào đã áp dụng chuẩn VietGAP vào việc chăm sóc cây bưởi, nhờ đó chất lượng quả nâng lên, được khách đến đặt cọc hết từ đầu vụ với giá 45 – 50.000đ/quả loại 1, 25.000đ/quả loại 2. Tính ra trừ chi phí, mỗi năm ông lãi khoảng 150 triệu đồng. Cận cảnh những múi bưởi tôm vàng của xã Thượng Mỗ. Ảnh: Dương Đình Tường. Bà Nguyễn Thị Tâm trước đây bận rộn với chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thượng Mỗ, giờ về hưu nên mới có cơ hội dành hết thời gian, tâm trí và công sức cho cây bưởi đặc sản quê mình. Do đặc thù đất đai manh mún nên trong làng bà có một vườn rộng hơn 1 sào trồng bưởi tôm vàng đã lâu năm, ngoài đồng bà có một vườn rộng hơn 2 sào trồng bưởi tôm xanh được hơn 10 năm. Khác với bưởi tôm vàng thu vào dịp sát Tết, bưởi tôm xanh bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến tháng 11, rất tiện cho việc rải vụ. Tổng thu từ hai vườn bưởi nho nhỏ ấy cũng khoảng gần 100 triệu, trừ chi phí vẫn giúp bà lãi 60 – 70 triệu đồng mỗi vụ. Để đền đáp lại mức lợi nhuận cao như thế từ cây bưởi, bà chăm sóc cho chúng bằng phân gà, phân chim cút ủ hoai, dịch đạm cá và lân vi sinh Lâm Thao; phòng chống thối quả, rụng quả bằng bẫy dính ruồi vàng và bao bọc quả sớm. Từ hồi sản xuất theo chuẩn VietGAP bà không còn phun thuốc trừ cỏ nữa mà cắt cỏ bằng máy nên đất bên dưới vườn luôn giữ được độ ẩm, độ tơi xốp và có rất nhiều giun, dế sống cộng sinh. Nhiều chủ vườn bưởi ở Thượng Mỗ đã chủ động học hỏi các kỹ thuật canh tác mới theo hướng hữu cơ. Ảnh: Dương Đình Tường. Chị Đỗ Thị Giang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Mỗ cho biết, tùy vào độ tuổi của vườn bưởi và “sức khỏe” của cây mà người dân quê mình có cách chăm sóc riêng. Đối với các vườn bưởi trên 15 tuổi thì sau khi thu hoạch quả bà con tiến hành xới đất xung quanh tán cây, sau đó bón phân để cây phục hồi. Liều lượng bón phục hồi cho mỗi gốc bưởi gồm: 2kg đỗ tương + 3kg ngô (tất cả đều nghiền ra ủ hoai mục) + 2kg NPK Lâm Thao + 1kg lân supe Lâm Thao. Lần bón phân thứ hai vào giai đoạn cây nuôi quả non. Theo đó, người trồng cần bón thêm 1 – 1,5kg NPK Lâm Thao để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Lần bón phân thứ ba từ tháng 7 âm lịch trở đi. Lúc này cần phải bón kali đỏ để tạo độ ngọt cho bưởi với liều lượng mỗi gốc 0,7kg, chia làm 3 đợt nhỏ. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Thượng Mỗ đạt 82,3 triệu đồng/người và ước tính năm 2024 sẽ đạt xấp xỉ 83 triệu đồng, trong đó có công lớn của cây bưởi tôm vàng. Trong chặng đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu của xã, giống bưởi này cũng có công không nhỏ, không chỉ tạo công ăn việc làm, thu nhập cho cả ngàn lao động trực tiếp cũng như gián tiếp mà còn tạo cảnh quan, sinh thái cho một làng quê được quy hoạch là vùng vành đai xanh của Thủ đô.