Mùa Vu Lan nhắc nhở thêm tình mẫu tử thiêng liêng
Tranh của Nguyễn Thanh Bình. Mùa Vu Lan không còn mang tính lễ hội tôn giáo nữa. Mùa Vu Lan trở thành dịp báo hiếu dành cho mỗi người, dành cho mọi người. Trong nhịp sống bộn bề hôm nay, mùa Vu Lan càng cần thiết hơn, càng ý nghĩa hơn, như lời hát mà nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915-1995) gửi gắm qua ca khúc “Ơn nghĩa sinh thành” viết đầu thập niên 50 của thế kỷ trước: “Người ơi, làm người ở trên đời, nhớ công người sinh dưỡng, đó mới là hiền nhân/ Vì đâu anh nên người tài ba/ Hãy nhớ công sinh thành, nhờ ai mà có ta?”. Trước khi cộng đồng ý thức về mùa Vu Lan, thì dân gian đã nhắn nhủ đạo hiếu qua ca dao, không chỉ đề cao “công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” mà còn ngậm ngùi “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Đành rằng, mùa Vu Lan tri ân đấng sinh thành, nhưng hình ảnh người mẹ được nhắc đến nhiều hơn. Một trong những nguyên nhân khiến biểu tượng người mẹ gắn bó với mùa Vu Lan là do sức lan tỏa của ca khúc “Bông hồng cài áo” được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930-2009) sáng tác theo tinh thần tùy bút cùng tên của thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022). Trong tùy bút “Bông hồng cài áo” viết năm 1962, thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ: “Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày của Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan. Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ”. Tuy nhiên, xuất hiện trước cả ca khúc “Bông hồng cài áo”, hình ảnh người mẹ trong ca khúc “Lòng mẹ” sáng tác năm 1959 của nhạc sĩ Y Vân (1933-1992) được xem như một tác phẩm kinh điển: “Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền/ Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền/ Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm/ Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên”. Chương trình ca nhạc nhân mùa Vu Lan 2024 vừa được tổ chức tại TP.HCM. Ở đời, có nhiều thứ khiến con người có quyền hoài nghi, nhưng tình mẹ dành cho con luôn là một giá trị bất biến và vĩnh cửu. Mẹ thương con vô điều kiện, như nước chảy xuôi bền bỉ và mát lành. Để hồi đáp tình mẹ, văn học nghệ thuật không ngừng viết về mẹ để thức tỉnh những đứa con. Trên thế giới cũng có những tiểu thuyết với người mẹ là nhân vật trung tâm gây xúc động như “Người mẹ” của Maxim Gorky (Nga) hoặc “Người mẹ lang thang” của Hika Harada (Nhật Bản). Thử nhìn lại đời sống tinh thần người Việt, hình ảnh người mẹ cũng là đề tài được nhiều tác giả tâm đắc nhất. Thơ hôm nay viết về người mẹ rất đa dạng. Nếu nhà thơ Nguyễn Duy ca ngợi người mẹ bằng sự khái quát “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn/ bà ru mẹ, mẹ ru con/ liệu mai sau các con còn nhớ chăng/ Nhìn về quê mẹ xa xăm/ lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa” thì nhà thơ Đỗ Minh Tuấn khơi dậy tình mẹ bằng sự cụ thể: “Mẹ thức suốt đêm nhìn hai cái đồng hồ/ Lo con trễ chuyến tàu lúc mờ sáng/ Lòng mẹ dõi theo mênh mông tháng nắng/ Lo con bỏ quên cái mũ trên đường đi”. Độc giả phổ thông thường trích dẫn hai câu thơ “Thêm một người quả đất sẽ chật hơn/ Nhưng thiếu mẹ thế giới đầy nước mắt” của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn viết từ thời học trò. Thế nhưng, bài thơ tuổi đôi mươi viết về người mẹ của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn được giới văn chương đưa vào nhiều tuyển thơ nhất, đó là bài “Phía sau hoa” xao xác: “Không có mẹ giàu hay mẹ nghèo/ Chỉ có mẹ thương con khốn khó/ Người đàn bà dẫu không tài sản gì đáng giá/ Vẫn cho con trai cứng cáp/ Vẫn cho con gái dịu dàng/ Con đi đường hay vấp ngã/ Mẹ làm đất cát an ủi dưới chân/ Gặp nỗi buồn, con ngồi lấm láp/ Mẹ mở ra vòm trời trong giếng nước mát xanh”. Tranh của Thành Chương. Hình ảnh người mẹ đồng hành với số phận và tính cách của mỗi người con. Vì vậy, khi không còn người mẹ, nỗi mất mát không thể nào nguôi ngoai trong trái tim người con. Nếu nhà thơ Đỗ Trung Quân day dứt: “Mẹ ra trả nhớ về không/ Trả trăm năm lại bụi hồng rồi đi”, thì nhà thơ Thi Hoàng cồn cào: “Hoa sen không định thơm/ Không định thơm thì mới thơm như thế/ Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ/ Mẹ quá xa rồi/ Để ta thành con cái của làn hương”.