TIN TỨC

Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang với những nét vẽ quê hương

Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang ở tuổi 82. Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang được xem như một biểu tượng của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tên tuổi nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang gắn liền với các bộ phim “Một ngày đầu thu”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Ngày lễ thánh”, “Mối tình đầu”, “Em bé Hà Nội”, “Đứng trước biển”, “Dòng sông hoa trắng”… “Vượt sóng”. Sau đúng bốn thập niên, kể từ ngày trở thành diễn viên điện ảnh đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1984, Trà Giang tổ chức triển lãm cá nhân “Quê hương” như một lời khẳng định sự cống hiến bền bỉ của bà với nghệ thuật. Triển lãm “Quê hương” của nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang từ ngày 20/10 đến ngày 30/10 tại Maii Art Space, TP.HCM như một dịp để công chúng tái ngộ huyền thoại màn bạc Việt Nam. “Vũng Rô xanh”. Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang không nhận mình là họa sĩ, dù bà đã có nhiều triển lãm chung và đã có hàng trăm bức tranh được giới sưu tập đón nhận. Theo bà, sau khi người chồng là giáo sư âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc qua đời tháng 10/1999, bà rơi vào trạng thái hụt hẫng và bơ vơ.  Để vượt qua những ngày trống rỗng vì mất đi chỗ dựa tinh thần, bà đã đi học vẽ. “Nhớ quê”. Chuyển đam mê từ điện ảnh sang hội họa, nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang bộc bạch: “Tôi cầm cọ như một cái duyên. Tôi vẽ suốt ngày, thậm chí trong giấc mơ cũng thấy màu sắc và đường nét. Thật sự, hội họa cứu rỗi tâm hồn tôi. Tôi không nghĩ mình là họa sĩ. Tôi chỉ dùng sự nhạy cảm nghệ sĩ để vẽ lại những cảnh vật xung quanh mình bằng những rung động chân thành nhất”. “Nét đẹp Hạ Long”. Triển lãm “Quê hương” gồm 25 bức tranh sơn đầu, được nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang vẽ trong thời gian gần đây. Chỉ với hai đề tài, phong cảnh và hoa, nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang chứng minh bà có một ánh mắt tươi trẻ khi nhìn thế giới xung quanh. Vì vậy, mỗi bức tranh của bà đều gần gũi và ấm áp. “Mong manh”. Buổi khai mạc triển lãm “Quê hương” của nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang vào buổi chiều 20/10 mưa như trút nước, nhưng phòng tranh tràn ngập giới mộ điệu. Có người đến vì muốn gặp huyền thoại điện ảnh Việt Nam, có người đến vì khâm phục sự lạc quan của một phụ nữ cao niên, có người đến vì trân trọng trái tim yêu đời của nghệ sĩ lão thành. “Dạo bước cùng mây”. Tiến sĩ nghệ thuật Mã Thanh Cao đánh giá: “Không phải họa sĩ tự học nào cũng có khả năng tự hoàn thiện như nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang. Vẽ phong cảnh tưởng dễ mà thực ra không dễ, vì không có kỹ thuật cao sẽ không thể hiện được không khí cỏ hoa nhẹ nhàng. Muốn biểu đạt cái nhẹ nhàng thì hình họa phải chắc hơn, màu sắc phải chắc hơn. Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang đã làm được điều ấy”. “Chiều về”. Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang quê quán Quảng Ngãi, nhưng sinh ra ở Phan Thiết, Bình Thuận. Cha của bà là nhạc sĩ Khánh Cao từng làm Trưởng đoàn dân ca quân khu 5. Năm 1954, Trà Giang 12 tuổi theo gia đình tập kết ra Bắc và trưởng thành ở Trường Học sinh miền Nam. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo diễn viên đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam, Trà Giang cùng với các đồng môn Lâm Tới, Thế Anh, Phi Nga, Minh Đức, Thụy Vân… trở thành thế hệ vàng của nghệ thuật thứ bảy Việt Nam. “Bình yên”. Một Trà Giang của điện ảnh và một Trà Giang của hội họa là một chặng đường dài. Ở tuổi 82, bà nói về lý do đặt tên “Quê hương” cho triển lãm cá nhân: “Đối với tôi, quê hương không chỉ là nơi mình chôn nhau cắt rốn hay nơi mình cư ngụ. Mảnh đất nào trên đất nước Việt Nam mà tôi từng đặt chân đến, đều là quê hương của tôi. Tôi vẽ để gửi gắm tình yêu của mình với quê hương. Tôi yêu từng xóm nhỏ ven sông, tôi yêu từng làng chài lặng lẽ, tôi yêu từng cánh hoa tình cờ bên đường. Bây giờ tôi ngồi trước giá vẽ như ngày xưa tôi đứng trước ống kính, say đắm như nhau, hồn nhiên như nhau, chăm chỉ như nhau. Ngày xưa tôi kể câu chuyện bằng nhân vật trên màn ảnh, còn bây giờ tôi kể câu chuyện bằng màu sắc trong bức tranh”.