TIN TỨC

Nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp xu thế phát triển nông nghiệp đa giá trị

Ngày 3/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đồng chủ trì Hội nghị Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật ngành NN-PTNT.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng chủ trì Hội nghị Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật ngành NN-PTNT ngày 3/4. Ảnh: Quang Dũng. Cần cơ sở pháp luật vững chắc để phát triển bền vững ngành nông nghiệp Với sự chuyển đổi năng động của ngành NN-PTNT, việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đứng trước nhiều thách thức. Nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Một số lĩnh vực mới chưa có đầy đủ văn bản QPPL điều chỉnh như thương hiệu nông sản quốc gia; hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế liên kết, khuyến nông gắn với du lịch, văn hóa cộng đồng; các chính sách, pháp luật về nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu. Trước bối cảnh đó, Bộ NN-PTNT và Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị “Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết trong lĩnh vực NN-PTNT”. Phát biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, không chỉ Bộ NN-PTNT mà nhiều Bộ ngành khác cũng chưa thống nhất được với nhau về cách tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, tuổi thọ của một quy định, văn bản rất ngắn và nhiều khi vẫn còn xung đột với nhau.  “Cần tăng cường tính đối thoại giữa các Bộ, ngành, từ cấp Trung ương đến địa phương để mở ra không gian, xây dựng văn bản QPPL phù hợp với từng đối tượng. Những không gian đối thoại mở ra sẽ góp phần quản trị xã hội hiệu quả, từ quá trình thay đổi ý tưởng pháp luật, điều chỉnh quy định mới hoặc thay đổi một quy định cũ, kỹ thuật văn bản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Cần mở ra những không gian đối thoại mới cho lĩnh vực pháp chế trong ngành NN-PTNT”. Ảnh: Quỳnh Chi. Trình bày với hai Bộ trưởng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngành NN-PTNT bước vào năm thứ 4 thực hiện chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo đó, công tác pháp chế của Bộ được triển khai thực hiện trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Thế giới xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp, khó lường tác động trực tiếp đến phát triển thị trường nông sản, tổ chức sản xuất nông nghiệp.  “Nguyên nhân chủ quan của tình hình chậm ban hành các văn bản QPPL chủ yếu là do người đứng đầu đơn vị chủ trì soạn thảo chưa thật sự sâu sát, tập trung thời gian, nguồn lực để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản QPPL. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế phân tích.  Do đó, ông Nam đánh giá cao Hội nghị do Bộ NN-PTNT và Bộ Tư pháp đồng tổ chức, cho rằng nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật lĩnh vực nông nghiệp và PTNT là điều cấp thiết. Ông Nam nhấn mạnh tính đầy đủ, kịp thời, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống thể chế pháp luật; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, tháo gỡ kịp thời vướng mắc. Khó khăn xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai Tháng 3/2024, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15, mở đợt tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai rộng rãi trước khi Luật có hiệu lực. Trong đó, Bộ NN-PTNT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành một Nghị định để quy định chi tiết Luật Đất đai. Bộ NN-PTNT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành một Nghị định để quy định chi tiết Luật Đất đai. Ảnh: Tùng Đinh. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, điều này điển hình cho vấn đề: quá trình ban hành luật chịu sức ép lớn do thời gian ngắn, gây khó khăn cho việc xin ý kiến từ các bên liên quan. Đặc biệt, với các luật như Luật Đất đai, việc xây dựng quy định cần thời gian và sự cân nhắc để tránh tình trạng nông dân đổ xô xây nhà đổi đất. Hơn nữa, có tình trạng một số đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ luật không quan tâm đến việc đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng luật, làm cho việc thực thi và áp dụng luật gặp phải nhiều khó khăn sau này. Trao đổi thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo nhận định, hai Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai có nhiều điểm giao thoa nhưng lại có sự chênh lệch đến 7 năm trong thời gian ban hành, dẫn đến sự thiếu đồng nhất trong việc áp dụng và thực thi các quy định. Ông kiến nghị cần có sự thống nhất, hài hòa giữa hai luật để đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi. Đặc biệt, một số lĩnh vực mới cần xem xét là tiềm năng phát triển đa dạng của rừng (gồm nuôi, trồng dược liệu dưới tán rừng; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí; tín chỉ carbon rừng). Chủ động tiếp cận, giảm độ trễ chính sách Ghi nhận các kiến nghị từ đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao nỗ lực toàn ngành về xây dựng hệ thống QPPL hiệu quả. Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, việc căn chỉnh, sửa đổi luật là điều tất yếu và cần thiết để thích ứng với các thách thức kinh tế, xã hội, môi trường ngày một phức tạp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao nỗ lực của ngành NN-PTNT về xây dựng hệ thống QPPL hiệu quả. Ảnh: Quỳnh Chi. “Về vấn đề chậm ban hành một số văn bản, chậm thẩm định, lấy ý kiến, vướng mắc giữa các cơ quan, chúng tôi xin ghi nhận và cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT để xử lý từng vấn đề một. Chúng tôi hiểu rằng nhiều điều luật mới ban hành và vẫn tiếp tục được hoàn thiện. Do đó, phối hợp liên ngành sẽ đảm bảo tiếp cận toàn diện, kết hợp kinh nghiệm chuyên môn của ngành NN-PTNT với lĩnh vực pháp chế”, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định. Phản hồi ý kiến các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT về thời gian xây dựng Nghị định quá gấp, tư lệnh ngành Tư pháp cho rằng, cần sự chủ động từ phía người làm chính sách. Như vậy mới có thể dự đoán các diễn biến của công tác sửa đổi luật, tránh sự bị động trong quá trình lấy ý kiến các bên liên quan.  Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới người dân, đẩy nhanh việc xây dựng thể chế cũng như các văn bản pháp luật hiệu quả. Bộ trưởng đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng dự thảo; góp ý, xin ý kiến; thẩm định, tiếp thu thẩm định; xin ý kiến thành viên Chính phủ và tiếp thu hoàn thiện các luật liên quan đến sự phát triển bền vững của ngành NN-PTNT.