TIN TỨC

Nhức nhối vấn nạn săn bắt động vật hoang dã nguy cấp: [Bài 2] Khó xử lý

Đắk Lắk Việc người dân vào Vườn quốc gia Yók Đôn săn bắt động vật hoang dã vẫn diễn ra nhưng công tác quản lý còn nhiều khó khăn.
Kho đông bí ẩn sau nhà Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến Nhà hàng S.P. (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), một trong những đầu nậu mua bán động vật hoang dã nổi tiếng ở huyện. Hàng ngày, các thợ săn ở buôn Rang, buôn Đrăng Phốk vào rừng bẫy, săn thú và sau đó đưa về Nhà hàng S.P. để tiêu thụ. Trong vai một du khách, phóng viên tìm đến nhà hàng S.P. ngỏ ý đặt bàn để chiêu đãi khách. Tiếp phóng viên là một người phụ nữ chừng ngoài 40 tuổi tên P. được cho là chủ nhà hàng này. Bà P. cùng nhân viên cưa con mang bán cho khách với giá 230.000/kg. Ảnh: Quang Yên. Với kịch bản là khách ở TP.HCM đến du lịch và muốn thưởng thức đặc sản của Tây Nguyên, ban đầu bà P. dè chừng giới thiệu các món ăn dân dã của địa phương. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được chiêu đãi với các món ăn lạ, đặc sản của địa phương và không ngại việc chi mạnh tiền cho nhà hàng thì bà P. mới bắt đầu giới thiệu hàng loại các món đặc sản là thú rừng. “Nhà hàng chúng tôi có bò rừng, nhím rừng, chồn, mang… Ngoài ra, nếu muốn những loại thú như kỳ đà, cheo… thì phải đặt trước vì những loại này thợ săn chưa tìm được”, bà P. nói. Khi phóng viên ngỏ ý mua thịt rừng về để tự chế biến, bà P. ra giá: “Thịt mang có giá 230.000/kg, thịt nhím rừng giá hơn 300.000/kg còn thịt bò rừng thì 290.000 đồng/kg. Nếu muốn nhà hàng chế biến thì phải thêm chi phí”. Khi đặt vấn đề mua thịt mang thì bà P. ra điều kiện, phải mua 1/4 con thì mới bán chứ không bán lẻ. Sau khi nghe chúng tôi đồng ý giá bà P. dẫn chúng tôi ra phía sau nhà hàng. Tại đây, một kho lạnh cỡ lớn, bên trong vô số thịt thú rừng các loại đã được chủ nhà hàng trữ đông. Bà P. hì hục kéo từ kho ra một con mang lớn đã bị cắt đầu, mổ ruột. Tiếp đó, bà P. mang ra chiếc máy cưa rồi cẩn thận cắt 1/4 con man ra giao cho khách. Trong lúc cưa, bà P. liên tục la nữ nhân viên phải giữ cho cẩn thận. Kỳ đà vân nằm trong sách đỏ Việt Nam sau khi sắn bắt trong VQG Yók Đôn về được người dân mua về làm thịt. Ảnh: CTV. “Anh yên tâm con mang này thợ săn mới săn được hôm qua. Thịt còn nguyên lông để khách biết là mang ‘xịn’ chứ không phải đồ tào lao như mấy nhà hàng khác. Em buôn bán thịt rừng đã nhiều năm nay, chả ai phàn nàn tiếng nào cả”, bà P. khẳng định với phóng viên. Tuy nhiên, khi phát hiện phóng viên chụp hình, bà chủ nhà hàng liền vứt cưa tiến tới yêu cầu xóa những clip và hình ảnh trên. Khi phóng viên không đồng ý thì người này quyết không cho ra khỏi nhà hàng. Đến khi phóng viên xóa những hình ảnh trên và đưa điện thoại cho người này thì mới được ra ngoài. Khó khăn trong quản lý Hiện Vườn quốc gia Yók Đôn đang quản lý 112.541ha diện tích rừng tự nhiên nằm trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Do đặc điểm của hệ sinh thái rừng khộp và điều kiện địa hình bằng phẳng đã góp phần hình thành nên khu hệ động vật ở đây cũng mang tính chất điển hình. Kết quả nghiên cứu về khu hệ động vật tại Vườn quốc gia Yók Đôn có 33 loài nằm trong danh lục Đỏ IUCN 2020; 40 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007… Trong đó, các loài nằm trong Sách đỏ như bò tót, rắn hổ mang, chồn bay, kỳ đà vân… Căn phòng khoảng 10m2 nhưng có hàng nghìn chiếc bẫy được thu giữ tại VQG Yók Đôn. Ảnh: Quang Yên. Như vậy, động vật quý hiếm và đặc hữu của Vườn quốc gia Yók Đôn không những nhiều về số lượng, đa dạng về thành phần loài mà còn nhiều loài đặc hữu, quý hiếm cần được bảo tồn. Những khó khăn, trở ngại chủ yếu trong bảo tồn và phát triển bền vững là hiện tượng săn bắn, bẫy bắt động vật trái phép và hoàn cảnh sống của động vật bị mất dần do môi trường bị thay đổi bất lợi Đến Vườn quốc gia Yók Đôn, khi phóng viên muốn tìm hiểu công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã liền được các cán bộ kiểm lâm của vườn dẫn đến khu vực chứa những chiếc bẫy thu được. Trong căn phòng rộng khoảng 10m2 là hàng nghìn chiếc bẫy được cán bộ kiểm lâm thu được trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng. Tại đây chủ yếu bẫy dây và bẫy lò xo. Những bẫy này chủ yếu bắt các loài thú móng guốc như heo, mang, chồn. Các bẫy này thường được đặt ở các khe suối, ao, hồ khu vực còn nguồn nước, thú thường di chuyển đến. Theo thống của Vườn quốc gia Yók Đôn kê năm 2023 đơn vị đã tháo gỡ 372 bẫy thú các loại, còn 3 tháng đầu năm 2024 đơn vị đã tháo gỡ 312 bẫy thú các loại. Theo một cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Yók Đôn, trong lúc tuần tra, nhiều lần phát hiện các thú rừng dính bẫy nếu con nào khỏe mạnh thì gỡ thả lại vào rừng. Đối với những con vật bị thương nặng thì đưa về cứu hộ. Có loại bẫy dây cột vào cành cây khô, bẫy đặt dưới đất nếu thú rừng đi ngang dính sẽ bỏ chạy. Người đặt bẫy chỉ cần lần theo dấu vết để lại trên đất là có thể phát hiện con vật bị mắc. Ông Phạm Tuấn Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Yók Đôn cho biết, đơn vị đã áp dụng nhiều biện pháp trong tuần tra, mật phục để kịp thời phát hiện người dân đặt bẫy, săn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, ông Linh thừa nhận Vườn đã có nhiều biện pháp và tăng cường tuần tra bảo vệ nhưng chưa thể xử lý triệt để việc người dân lén lút vào rừng săn bắt động vật. Theo ông Linh, vừa qua có vụ 6 đối tượng, trong đó 3 đối tượng sử dụng 3 khẩu súng đi vào vườn săn bắt. Mặt dù lực lượng kiểm lâm không bắt trực tiếp nhưng phát hiện báo Công an huyện Buôn Đôn điều tra xử lý. Cán bộ VQG Yók Đôn gỡ động vật bị mắc bẫy. Ảnh: Thanh Hòa. “Hiện nay khó khăn lớn nhất là những người đi bẫy, bắt động vật rất bất chợt. Khi mang bao bẫy trên người nếu thấy động là vứt bỏ chạy. Do đó việc bắt giữ những đối tượng này để răn đe rất khó khăn. Để có biện pháp quản lý hiệu quả, vườn đã đặt bẫy ảnh xác định những khu vực tập trung động vật nhằm tăng cường tuần tra. Trong tháng cao điểm mùa khô, vườn yêu cầu các cán bộ đi ven sông suối, những hố có nước để kịp thời phát hiện việc săn bắt. Hiện nay lực lượng tạm đủ để tiến hành tuần tra, gỡ bẫy. Tuy nhiên diện tích rất lớn trung bình mỗi kiểm lâm phụ trách 700 – 800 ha rừng nên rất khó kiểm soát hết. Động vật quý hiếm trong vườn rất đa dạng như: Rắn hổ mang, kỳ đà vân, chồn bay, nai, voi rừng… Trong thời gian tới, Vườn sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, tuyên truyền để người dân nâng cao việc bảo vệ động vật hoang dã, nhất là động vật quý hiếm”, ông Linh chia sẻ.