Những mẹo hay trong phòng, chống dịch bệnh: [Bài cuối] Đứng trên vai người khổng lồ
Trang trại chuồng kín chuyên nuôi lợn gia công của ông Chiến tại huyện Châu Thành, Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình. Trước đây, ông Huỳnh Văn Chiến, xã Đồng Khởi (huyện Châu Thành, Tây Ninh) chỉ chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ, manh mún và luôn bị dịch bệnh tấn công vật nuôi, giá cả bấp bênh. Đã có thời gian ông Chiến phải treo chuồng, làm nghề vận tải và nhiều công việc khác vì nghĩ bản thân không hợp với nghề chăn nuôi lợn. Vài năm trước, ông Chiến có đi làm thuê cho một trang trại nuôi lợn gia công tại huyện Tân Biên. Tại đây, ông Chiến học hỏi được nhiều kĩ thuật về an toàn dịch bệnh, quy trình chăn nuôi khép kín và nhất là không lo về nhiều khâu sản xuất sản phẩm. Nhận thấy tiềm năng có thể “đứng trên vai người khổng lồ”, ông Chiến bàn với vợ con bán đất để đầu tư hệ thống trang trại nuôi lợn gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Mỗi lứa, ông Chiến nuôi khoảng 2.000 con lợn, trừ hết chi phí vẫn còn lời khoảng 800 triệu đồng. Từ khi chuyển sang mô hình trang trại chăn nuôi lợn gia công, điều khiến ông Chiến an tâm nhất chính là vấn đề an toàn dịch bệnh, đàn lợn luôn được cách ly với nguồn dịch bệnh, khỏe mạnh. Dù trải qua nhiều đợt dịch tả lợn Châu Phi, tai xanh… nhưng với sự kĩ lưỡng của mình nên đàn lợn của ông vẫn khỏe mạnh, xuất bán đều. “Phải nói là mô hình khép kín này nó đảm bảo, không phải đau đầu trước vấn đề dịch bệnh. Bất cứ công nhân nào chăm lợn phải qua 4-5 bước sát trùng, khử khuẩn nguyên người, không được phép bỏ qua giai đoạn nào thì đàn lợn của mình mới khỏe được”, ông Chiến chia sẻ. Đàn lợn của trang trại luôn được theo dõi sức khỏe 24/7 và được đảm bảo an toàn dịch bệnh khá tốt. Ảnh: Lê Bình. Hiện, trang trại của ông Chiến đang nuôi lợn gia công cho C.P. Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Chi nhánh Tây Ninh, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, từ con giống, thức ăn, quá trình chăn nuôi và đầu ra đều được phía công ty đảm bảo. Người liên kết chỉ cần đầu tư hệ thống trang trại và chăn nuôi đúng theo quy trình và tiêu chuẩn như cam kết. Về vấn đề an toàn dịch bệnh, chủ trang trại ngoài được hướng dẫn, thiết kế hệ thống kiểm soát nguy cơ ngay từ đầu thì xuyên suốt quá trình nuôi mỗi lứa đều có sự đồng hành của bác sĩ thú y. “Bất cứ vấn đề về sức khỏe nào của đàn lợn cũng được nhân viên thú y của chúng tôi can thiệp trực tiếp. Ngoài ra, việc kiểm soát dịch bệnh luôn được kiểm soát thành nhiều lớp để triệt tiêu nguồn bệnh. Nhờ đó, với quy trình này thì tỉ lệ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh hầu như rất thấp”, ông Trường chia sẻ. Cơ cấu chăn nuôi Tây Ninh đang tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 127 trang trại chăn nuôi lợn tập trung với tổng đàn trên 375.000 con. Ngành nông nghiệp Tây Ninh đang khuyến khích người dân chuyển sang chăn nuôi liên kết, ứng dụng công nghệ cao để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Ảnh: Lê Bình. Cùng với đó, Sở NN-PTNT cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi lợn nói riêng. Điều này không chỉ giúp người chăn nuôi kiểm soát được sức khỏe đàn vật nuôi, nâng cao năng suất, giảm giá thành mà còn đảm bảo được các vùng an toàn dịch bệnh. Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho rằng, nhờ việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi và chú trọng vào các phương thức an toàn sinh học của người dân mà Tây Ninh càng đi chắc, xuất nhanh hơn. “Tây Ninh chú trọng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, việc kiểm soát các nguy cơ bệnh lại càng trở thành vấn đề then chốt. Chăn nuôi nông hộ cũng rất tốt nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân nhưng nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, việc thay đổi tư duy, liên kết và sản xuất khép kín không chỉ giúp chăn nuôi giảm được những rủi ro mà được bền vững hơn”, ông Xuân đánh giá.