TIN TỨC

Ớt Bình Định bớt thấp thỏm: Canh tác hướng hữu cơ để xuất khẩu

Thay đổi tư duy canh tác cho nông dân Theo bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty Chế biến nông sản, lương thực – thực phẩm xuất khẩu Trần Gia (Công ty Trần Gia), để từng bước xây dựng vùng nguyên liệu ớt, năm 2023, Công ty liên kết với HTX Nông nghiệp Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định) xây dựng mô hình trồng ớt theo hướng VietGAP với diện tích 5ha. 60 hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết được Công ty Trần Gia chuyển giao quy trình canh tác, HTX Nông nghiệp Cát Tài trực tiếp hướng dẫn, kiểm soát quá trình chăm sóc ớt của nông dân. Cũng theo bà Thủy, đến nay, ngoài HTX Nông nghiệp Cát Tài, Công ty Trần Gia đã mở rộng liên kết với 2 HTX Nông nghiệp Mỹ Quang và Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) để thu mua ớt. Trong thời gian tới, Công ty Trần Gia tiếp tục làm việc với các HTX Nông nghiệp ở huyện Tây Sơn để mở rộng chuỗi liên kết. Nông dân Bình Định hướng đến trồng ớt hữu cơ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: V.Đ.T. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã có buổi trao đổi trực tiếp với đại diện 70 hộ nông dân của 3 xã Cát Tài, Cát Minh và Cát Hanh về sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây ớt theo tiêu chuẩn VietGAP, cách sử dụng thuốc BVTV và quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ớt, hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… “Bên cạnh đó, các hộ trồng ớt còn được nghe ngành chức năng nói về định hướng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt trên địa bàn huyện Phù Cát; kế hoạch liên kết tiêu thụ ớt trong vụ đông xuân 2024-2025 và thời gian tới của Công ty Trần Gia”, ông Lương Văn Khoa, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát chia sẻ. “Xóa” thói quen lạm dụng thuốc BVTV hóa học Sau một thời gian thu mua ớt trên địa bàn Bình Định, bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty Trần Gia, cho biết theo nhận xét của khách hàng, ớt Bình Định có chất lượng ngon, nhưng trong quá trình canh tác nông dân còn lạm dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học. “Điều này cần phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của những nhà nhập khẩu các sản phẩm được chế biến từ ớt”, bà Thủy chia sẻ. Còn theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinanutrifood Bình Định, công ty đang xây dựng Nhà máy sản xuất, chế biến nông lâm sản tập trung của Công ty tại huyện Tây Sơn (Bình Định) trên diện tích 10ha, có tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Trong quý IV/2027, dự án sẽ hoàn thành toàn bộ và đi vào hoạt động. Về chế biến nông sản, nhà máy sẽ có dây chuyền chế biến xoài với sản lượng 5.553 tấn/năm; chế biến 20.000 quả dừa tươi kim cương/ngày, 30.000 quả dừa sọ/ngày, 20.000 quả dừa cùi/ngày và đặc biệt có dây chuyền chế biến ớt với công suất 5 tấn/ngày. Công ty Cổ phần Vinanutrifood Bình Định sẽ xây dựng vùng nguyên liệu ớt hữu cơ tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T. Cũng theo bà Hằng, khi nhà máy đi vào hoạt động, Công ty Vinanutrifood Bình Định sẽ xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ, hướng nông dân canh tác các loại nông sản theo hướng hữu cơ. Công ty sẽ chuyển giao cho nông dân quy trình canh tác, cung cấp phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho nông dân chăm sóc cây trồng. “Công ty sẽ tổ chức tập huấn cho bà con nông dân quy trình kỹ thuật canh tác nông sản theo hướng hữu cơ và cung cấp cây giống chất lượng cao để nông dân sản xuất”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng chia sẻ. “Ngành chức năng phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ khâu sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học trong sản xuất, để nông sản đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; giám sát, hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, đồng thời loại bỏ các sản phẩm gây hại”, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.