Phú Yên lên phương án ứng phó hạn hán, thiếu nước
Tỉnh Phú Yên đã lên phương án ứng phó hạn hán, thiếu nước tưới trước diễn biến thời tiết nắng nóng liên tục, kéo dài, nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm.
Hồ chứa nước Mỹ Lâm, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS. Nguy cơ thiếu nước tưới và nước sinh hoạt Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, từ tháng 5 – 7/2024, nắng nóng mở rộng và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, mức nhiệt độ cao nhất tuyệt đối từ 38 – 40 độ C, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn tỉnh phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 1 – 1,5 độ C. Tổng lượng mưa có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5 – 25%. Dự báo còn cho rằng, trong điều kiện nắng nóng liên tục kéo dài, nguồn nước ngầm suy giảm nên nhu cầu nước để bổ sung cho sản xuất, sinh hoạt và cây trồng cạn tăng rất cao. Các nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan của người dân có nguy cơ dần cạn kiệt dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay tỉnh Phú Yên có 51 hồ chứa thủy lợi, 118 đập dâng và 157 trạm bơm. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh mới chỉ đảm bảo nước tưới cho hơn 28.000 ha cây trồng, trong đó 25.681 ha lúa, cây hàng năm và 2.511 rau màu, đạt 55% so với thiết kế. Ngoài công tác phục vụ tưới cho nông nghiệp, hệ thống công trình thủy lợi còn phục vụ cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho sinh hoạt. Nông dân cày đất để bước vào vụ sản xuất hè thu. Ảnh: KS. Kết thúc vụ đông xuân tổng dung tích các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn còn 77 triệu m3, đạt 72% dung tích thiết kế. Các hồ thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’năng dung tích hữu ích đạt từ 44 – 73% dung tích thiết kế. Ông Lữ Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, vụ hè thu năm 2024, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng trên 24.500 ha lúa và 4.000 ha vụ mùa; 40.800 ha rau màu và cây hàng năm. Theo tính toán, diện tích gieo trồng trong phạm vi công trình thủy lợi không đảm bảo nguồn nước là 1.562ha có thể xảy ra từ tháng 6 – 8. Trong đó, 1.423 ha thuộc vùng tưới cuối kênh Bắc, kênh Nam của hệ thống thủy nông Đồng Cam; 42 ha thuộc hồ Đồng Khôn; 31 ha thuộc đập Tân Giang Thượng; 12 ha thuộc đập Sông Con và 54 ha thuộc hệ thống thủy nông Tam Giang. Bên cạnh đó, từ tháng 5 – 8, nếu tình hình nắng nóng kéo dài trên diện rộng, các nguồn nước bị cạn kiệt, mực nước ngầm sụt giảm, một số giếng nước sinh hoạt cũng bị khô hạn. Do đó, dự kiến khoảng 6.500 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Giải pháp Trước tình hình trên, theo ông Lữ Ngọc Lâm, Sở NN-PTNT Phú Yên đã ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024. Theo đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các ao, hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn để kịp thời điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với thực tế. Tỉnh Phú Yên đã lên phương án đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân khi xảy ra hạn hán. Ảnh: KS. Đồng thời chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng có nguy cơ cao thiếu nước trong mùa khô, hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng khác. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp tăng cường tích, trữ nước ở các ao, hồ có sẵn và các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước. Về chủ động nguồn nước tưới vụ hè thu năm 2024, ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án chống hạn cụ thể từng xứ đồng. Hiện nay công ty đã duy tu, bảo dưỡng các máy bơm điện, rà soát kiểm tra đường dây điện tại các trạm bơm. Sửa chữa và mua bổ sung các máy bơm dầu, các máy bơm điện và chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, nhiên liệu sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có hạn xảy ra. Theo ông Nguyễn Minh Huệ, nếu tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, trời không mưa, lượng nước đến tại các hồ chứa Mỹ Lâm, Đồng Tròn, Hóc Răm, Kỳ Châu, Xuân Bình, Suối Vực và Lỗ Ân giảm dần và dẫn đến cạn kiệt, nguy cơ thiếu nước tưới vụ hè thu là không tránh khỏi. Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam đã dự trù kinh phí để chống hạn. Ảnh: KS. Khi đó, công ty sẽ tổ chức bơm mực nước chết của các hồ vào cống đầu kênh để chống hạn. Đối với hồ chứa nước Đồng Tròn, Lỗ Ân, công ty sẽ có kế hoạch tưới tiết kiệm để hỗ trợ nước cho hệ thống thủy nông Tam Giang và hệ thống trạm bơm Phú Vang khi cần thiết. Đồng thời, công ty cho sử dụng các máy bơm dầu đặt lưu động tại các vị trí có nguồn nước ở các địa phương để bơm chống hạn những vùng cao, xa, hạn cục bộ. “Hiện nay chúng tôi dự trù kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng để vận hành các trạm bơm chống hạn cho từng hệ thống thủy nông để đảm bảo sản xuất”, ông Nguyễn Minh Huệ chia sẻ. Theo ông Lữ Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, đối với nước sinh hoạt, Sở NN-PTNT sẽ kiểm tra, đánh giá các khu vực có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước để cảnh báo chính quyền địa phương, người dân biết, chủ động ứng phó. Tinh thần là không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Trong trường hợp cần thiết, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu cấp thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.