TIN TỨC

Quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản

Cơ sở quan trọng để thả nuôi Theo Cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay, ngành thủy sản tổ chức thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường thường xuyên. Số địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch quan trắc môi trường là 56/63 tỉnh. Số điểm quan trắc tại vùng nuôi trồng thủy sản trên cả nước trên 992 điểm. Cục Thủy sản cũng phối hợp với các Viện và Trung tâm triển khai thực hiện quan trắc trên tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, tôm hùm, cá nuôi lồng, nuôi biển. Qua quan trắc cũng cho thấy, chất lượng môi trường nguồn nước cấp cho nuôi tôm nước lợ, cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể có hiện tượng ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của thủy sản nuôi, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện bệnh. Hiện tượng phì dưỡng ở nguồn nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ, cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể, một số thông số vượt giới hạn cho phép. Đối với vùng nuôi tôm nước lợ một số tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, Cà Mau… chỉ số chất lượng nước vào một số thời điểm chưa phù hợp cho nuôi tôm. Các thông số khác về cơ bản phù hợp cho nuôi trồng thủy sản. Quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh tốt giúp nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, bền vững. Để giúp người nuôi thủy sản nắm bắt thông tin, ngành thủy sản đã truyền tải kịp thời đến các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương bằng các bản tin, thông báo và văn bản cảnh báo. Ban hành sổ tay hướng dẫn đánh giá chất lượng nước làm cơ sở để triển khai công tác quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Cũng theo Cục Thủy sản, thống kê ban đầu cho thấy, thiệt hại với ngành thủy sản do cơn bão số 3 tại các tỉnh phía Bắc khoảng 33 nghìn ha, 15 nghìn ô lồng (ước 50 nghìn tấn thủy sản các loại). Trước tình hình này, Cục Thủy sản đã nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với các địa phương khôi phục ngay sản xuất sau bão bằng các giải pháp như: Xác định chính xác nhu cầu của từng địa phương để chỉ đạo, kết nối các tổ chức, cá nhân. Cải tạo, chuẩn bị hạ tầng, quản lý chất lượng giống, vật tư thủy sản, đảm bảo môi trường tái sản xuất. Tăng cường thả nuôi diện tích chưa thả theo kế hoạch, đặc biệt nuôi thâm canh, công nghệ cao. Lưu ý nuôi mật độ phù hợp trình độ kỹ thuật, quản lý, thời vụ, hạ tầng, thiết bị hỗ trợ… Phối hợp giữa cơ quan thủy sản, thú y, khuyến nông… để triển khai, hướng dẫn làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh; triển khai tốt an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Triển khai giám sát dịch bệnh Theo Cục Thú y, hiện nay dịch bệnh thủy sản còn diễn biến phức tạp, ngày càng nhiều nước sử dụng quyền của mình theo quy định của quốc tế về giám sát dịch bệnh để tạo ra các hàng rào kỹ thuật, gây khó khăn cho việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nhiều cơ sở không xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở theo đúng yêu cầu chuyên môn, tiềm ẩn nguy cơ bị các nước cấm nhập khẩu sản phẩm thủy sản. Do vậy, để chủ động trước các yêu cầu của các nước nhập khẩu cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra, các cơ sở nuôi cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm theo quy định của WOAH. Các cơ sở sản xuất, ương dưỡng thủy sản giống cần xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động, gắn với xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để phục vụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh ngân sách nhà nước hỗ trợ, người nuôi cần chủ động bố trí kinh phí và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cơ sở nuôi của mình. Thực hiện nghiêm các quy định về khai báo dịch bệnh; sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm; chỉ sử dụng con giống đã qua kiểm dịch và có chất lượng tốt; quan tâm xử lý đối với nước cấp, nước thải để tiêu diệt mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh hoặc phát tán mầm bệnh ra môi trường.