Ra quân hoàn thành sớm tiêm phòng vụ thu đông
Cán bộ thú y tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Lương Tài. Trong đợt này, huyện Lương Tài sẽ tiêm cho trên 632.000 vật nuôi, trong đó, đàn gia cầm 600.700 con, đàn lợn trên 9.300 con, đàn trâu bò 947 con, đàn chó trên 14.700 con, đàn dê 967 con và đàn thỏ 2.125 con trước thời điểm giao mùa. Song song với đó, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện cũng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi như công tác quản lý đàn vật nuôi, vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, đặc biệt là công tác tiêm phòng vacxin đại trà vụ thu đông năm 2024 trên đàn gia súc, gia cầm. Theo bà Cao Thị Thu Hương, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện Lương Tài (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh), đây là giai đoạn quan trọng của ngành chăn nuôi và thú y bởi người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn một phần do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi) để phục vụ thị trường các ngày lễ cuối năm, đặc biệt dịp tết Nguyên đán 2025, do vậy công tác tiêm phòng rất quan trọng để bảo vệ đàn vật nuôi. Cũng theo bà Hương, khi người dân tái đàn mạnh, kết hợp với sự thay đổi thời tiết đang nóng chuyển sang lạnh, nhiệt độ chênh lệnh giữa ngày và đêm cao… nếu vật nuôi chưa kịp tiêm phòng đầy đủ, bị nhiễm bệnh nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tới hoạt động chăn nuôi rất cao. Để nâng cao hiệu quả tiêm phòng, Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lương Tài cử cán bộ Trạm phối hợp với lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển động vật, hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát dịp cuối năm. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức 2 đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trên toàn huyện, 2 đợt tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, thường xuyên tiến hành triển khai công tác tiêm phòng bổ sung đảm bảo đạt tỷ lệ cao nhất. Nhìn chung, các địa phương trong huyện đều nghiêm túc chỉ đạo công tác tiêm phòng đạt kết cao trên các đối tượng vật nuôi. Tất cả với một quyết tâm là bảo vệ bằng được đàn vật nuôi trước nguy cơ dịch bệnh vào giai đoạn giao mùa, vào dịp cuối năm.