Thứ trưởng Hoàng Trung dẫn đoàn Bộ NN-PTNT viếng Giáo sư Võ Tòng Xuân
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cùng một số đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT viếng Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: Kim Anh. Đoàn dành 1 phút mặc niệm trước linh cữu của GS Võ Tòng Xuân, đồng thời thắp hương tưởng niệm, chia sẻ cùng với gia đình và thân quyến. Thay mặt Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Hoàng Trung ghi sổ tang “GS Võ Tòng Xuân, người thầy và là nhà khoa học lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam”. Một lần nữa, Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã có nhiều đóng góp lớn và cống hiến trọn đời cho ngành nông nghiệp. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chia buồn cùng gia đình Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: Kim Anh. Cũng trong sáng 20/8, lãnh đạo các tỉnh, thành như: An Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng… các doanh nghiệp, bà con nông dân, học trò cũ từ khắp nơi tìm về TP. Cần Thơ để viếng Giáo sư Võ Tòng Xuân. Từ lâu, tên tuổi của Giáo sư Võ Tòng Xuân – thường được gọi là thầy Xuân, chú Ba Xuân, Dr. Rice – đã trở thành quen thuộc trong ngành nông nghiệp. Những dòng hồi ký được những học trò thân cận của Giáo sư Võ Tòng Xuân ghi chép lại cho thấy, từ những năm 1971, sau quá trình làm việc, nghiên cứu ở nước ngoài, Giáo sư Võ Tòng Xuân trở về Việt Nam và tham gia giảng dạy, nghiên cứu về cây lúa tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp (thuộc Viện Đại học Cần Thơ) nay là Đại học Cần Thơ. Trong bối cảnh cuộc canh tân nông nghiệp ở ĐBSCL được đẩy mạnh, Đại học Cần Thơ nhận được nhiều hỗ trợ về chuyên môn và tài lực từ nhiều tổ chức, quốc gia tiên tiến. Cùng với điều kiện phương tiện sẵn có của trường, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã tham gia cộng tác, tận dụng các nguồn hỗ trợ, để có điều kiện phát triển đội ngũ cộng sự có hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt việc giảng dạy, nghiên cứu và phổ biến kỹ thuật tới nông dân. Thứ trưởng Hoàng Trung ghi sổ tang. Ảnh: Kim Anh. Điển hình, giáo sư đã huy động sinh viên sưu tập các giống lúa mùa địa phương của miền Tây để xây dựng Ngân hàng giống lúa ĐBSCL. Đồng thời, ông là một trong những người tiên phong kết nối với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), tiếp nhận nguồn vật liệu ban đầu để xây dựng, phát triển bộ giống lúa phù hợp với ĐBSCL. Từ đó giúp nông dân trồng lúa trong vùng cải thiện năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, Giáo sư Võ Tòng Xuân còn đẩy mạnh triển khai hoạt động hỗ trợ ra ngoài nước, giúp cải tiến việc canh tác lúa ở một số nước châu Phi. Theo đuổi mục tiêu phục vụ và phát triển đời sống kinh tế nông dân, dù đâu đó có lúc, có nơi công việc không thuận lợi, thầy Xuân vẫn luôn giữ vững sự chân thành, kiên trì trong mọi hoạt động. Giáo sư Võ Tòng Xuân trong một lần chia sẻ tại Hội thảo “Nâng tầm nông – thủy sản Việt” do Bộ NN-PTNT tổ chức. Ảnh: Kim Anh. Làm việc bằng chính cái tâm và sự nhanh nhạy, thích nghi trong mọi tình huống, vị “giáo sư nông dân” đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của đội ngũ cộng tác, tranh thủ mọi cơ hội đẩy mạnh hoạt động, đóng góp hiệu quả cho sự tiến bộ và phát triển của đất nước, nhất là ngành nông nghiệp. Đến tận hôm nay, Giáo sư Võ Tòng Xuân vẫn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà khoa học, sinh viên và cả nông dân ĐBSCL trong việc theo đuổi ước mơ và cống hiến cho sự nghiệp khoa học, giáo dục và nông nghiệp, nông dân, nông thôn.