TIN TỨC

Thúc đẩy tín dụng xanh ‘mở đường’ chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp

Ngày 9/5, tại TP Đà Nẵng, Thời báo Ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 9 tổ chức diễn đàn “Kết nối tín dụng xanh – Khu công nghiệp xanh” nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi xanh tại các khu công nghiệp (KCN). Nhiều thách thức tiếp cận tín dụng xanh Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Việt Nam cho biết, khái niệm KCN sinh thái (xanh) được thể chế hóa lần đầu tiên tại Nghị định số 82/2018/NĐ – CP ngày 22/5/2018. Tuy nhiên, để xây dựng một KCN xanh đòi hỏi những khoản đầu tư không nhỏ vào hạ tầng đồng bộ đáp ứng nhu cầu liên kết, hợp tác thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp của các doanh nghiệp; hệ thống vận chuyển thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, các giải pháp xử lý, thu gom và tái chế chất thải tiên tiến, cùng các chương trình quản lý và vận hành xanh… Diễn đàn “Kết nối tín dụng xanh – Khu công nghiệp xanh”. Ảnh: Lan Anh. Trước yêu cầu lớn từ thực tiễn, những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ và cụ thể trong việc thúc đẩy tín dụng xanh. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thể hiện vai trò chủ động và tiên phong khi ban hành hàng loạt chính sách và văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của tín dụng xanh. Đồng thời, NHNN tích cực hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để xây dựng danh mục 12 lĩnh vực xanh ưu tiên, tạo ra một khung tham chiếu rõ ràng cho các hoạt động tín dụng xanh…  Các tổ chức tín dụng đã và đang kiến tạo dòng vốn quan trọng cho sự phát triển bền vững, bao gồm cả việc hỗ trợ xây dựng và chuyển đổi các KCN theo hướng xanh hóa. Đáng chú ý, một số ngân hàng còn chủ động nghiên cứu, cập nhật các chuẩn mực tiên tiến của quốc tế về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường – xã hội và rủi ro khí hậu, từng bước tiệm cận với các thông lệ tốt nhất trên thế giới. Bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Lan Anh. Tuy nhiên, việc thúc đẩy tín dụng hỗ trợ sự hình thành và nhân rộng các KCN xanh vẫn còn đối diện với không ít thách thức như chưa có khung quốc gia về KCN xanh; danh mục, ngành, lĩnh vực xanh chưa được thống nhất áp dụng chung trên cả nước; cạn quỹ đất và thiếu vùng đệm để phát triển… Tháo gỡ ‘nút thắt’ để lan tỏa dòng vốn tín dụng xanh Diễn đàn lần này là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và ngân hàng cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các giải pháp khả thi nhằm tháo gỡ nút thắt trong phát triển KCN xanh gắn với tín dụng xanh. Theo TS. Đặng Quang Hải, Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng), xây dựng các khu công nghiệp (KCN) mới và chuyển đổi KCN hiện hữu theo hướng công nghiệp xanh, việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là giải pháp then chốt nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và bảo đảm phát triển bền vững. Diễn đàn lần này là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và ngân hàng tháo gỡ nút thắt trong phát triển KCN xanh gắn với tín dụng xanh. Ảnh: Lan Anh. Để xây dựng KCNST, TS. Đặng Quang Hải đề xuất trước hết, cần xây dựng và ban hành khung quốc gia về KCNST trên cơ sở tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp đó, cần tiến hành khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng các KCN, từ đó xác định tiềm năng chuyển đổi và xây dựng lộ trình cụ thể cho từng nhóm KCN, đồng thời lựa chọn các khu có khả năng sẵn sàng để thí điểm chuyển đổi. Song song với đó, cần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức tài chính về lợi ích của mô hình KCNST, tăng cường truyền thông và đào tạo về sản xuất sạch, tiết kiệm tài nguyên, tái chế và tái sử dụng chất thải. Về tài chính, cần huy động đa dạng nguồn vốn, từ ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế như World Bank, ADB, IFC đến khu vực tư nhân – lực lượng trực tiếp hưởng lợi từ KCNST. Thành phố cũng cần ban hành chính sách tín dụng ưu đãi, tín chấp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tín dụng xanh để phát triển bền vững. Ảnh: Lan Anh Về phía ngân hàng, TS Lê Anh Xuân, Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 9 cho biết, đến cuối tháng 3/2025, có 30 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Khu vực 9 phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ khoảng 10.482 tỷ đồng, chiếm gần 2% tổng dư nợ khu vực. Trong đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm tỷ trọng cao nhất (35,51%), riêng Quảng Nam chiếm tới 60% dư nợ tín dụng xanh toàn khu vực. Thời gian tới, NHNN chi nhánh Khu vực 9 sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ngân hàng xanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn xanh nhằm tăng tỷ trọng tín dụng xanh, đặc biệt với các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh. “Chúng tôi cũng tiếp tục chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, giảm chi phí để hạ lãi suất vay trong các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy sản xuất thân thiện môi trường. Ngoài ra, sẽ tăng cường truyền thông, ứng dụng công nghệ số trong quản lý tín dụng xanh và đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ngân hàng để dòng vốn tín dụng thực sự trở thành động lực cho chuyển đổi xanh”, TS Lê Anh Xuân khẳng định. Từ năm 2017, tại Việt Nam số tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng xanh đã tăng từ 15 lên 50 đơn vị. Tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh đạt trên 22%/năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, tỷ lệ tín dụng xanh hiện vẫn chỉ chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng.