TIN TỨC

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra tình hình bão lụt

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: VH. Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 tại tỉnh Tuyên Quang đã khiến 5 người chết, 883 nhà dân bị hư hỏng, 18.698 nhà bị ngập nước, 4.957 hộ phải di dời khẩn cấp… Thiệt hại về nông nghiệp, có hơn 7.500ha lúa, hoa màu thiệt hại; nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc, hư hỏng. Ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 500 tỷ đồng. Tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ khoảng 300 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện, thành phố khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; hỗ trợ khoảng 1.000kg Cloramin B để khử trùng, tiêu độc sau lũ lụt; 3 xe cứu thương cho trung tâm y tế huyện; hỗ trợ 10 xuồng máy, khoảng 1.000 áo phao cứu sinh, 300 đèn pin chịu nước cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Tỉnh cũng đề nghị đề nghị Trung ương có chủ trương, giải pháp căn cơ về việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho người dân đang sinh sống ở những vùng có nguy hiểm, có nguy cơ mất an toàn, đảm bảo ổn định sinh sống lâu dài. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi, động viên các hộ gia đình thuộc diện phải sơ tán do thiên tai tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương. Ảnh: VH. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao việc tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời có những chỉ đạo, thực hiện biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 theo đúng tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, của Chính phủ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước biểu dương lực lượng quân đội, công an đã kịp thời hỗ trợ nhân dân trong những ngày bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục triển khai các biện pháp, phương tiện trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với những khu vực người dân đang bị cô lập, bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tổ chức thăm hỏi, động viên, kịp thời thực hiện các chính sách đối với gia đình bị thiệt hại; thực hiện các biện pháp bảo đảm cung cấp, hỗ trợ, trao tận tay đến người dân những nhu yếu phẩm cần thiết và nơi tránh trú an toàn; kiên quyết không để người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm, chỗ ở an toàn; bảo đảm phương tiện, hậu cần và các điều kiện cần thiết cho lực lượng tham gia phòng, chống lụt, bão và cứu nạn, cứu hộ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra việc gia cố đê sông Lô tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương. Ảnh: VH. Tỉnh cần tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực, khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để cảnh báo kịp thời và chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; kiểm tra công trình đê điều, hồ, đập… đặc biệt là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu để có biện pháp xử lý kịp thời; tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, kiên quyết không để kẻ xấu lợi dụng tình hình khó khăn để hoạt động vi phạm pháp luật. Đối với những đề nghị của tỉnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ, và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cân đối các nguồn lực để triển khai hỗ trợ theo kiến nghị của tỉnh. Trong chương trình làm việc tại Tuyên Quang, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đi kiểm tra, nắm tình hình, động viên các lực lượng làm công tác bảo vệ đê đoạn qua xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương và đánh giá cao lực lượng vũ trang đã kịp thời phối hợp, giúp đỡ nhân dân cố, bảo vệ đoạn đê xung yếu có nguy cơ cao bị vỡ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã đến thăm hỏi, động viên các hộ dân phải di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm do nguy cơ vỡ đê tại xã Trường Sinh và mong muốn người dân nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm ổn định lại cuộc sống. Chính quyền địa phương cần quan tâm, giúp đỡ người dân, nhất là những hộ bị ảnh hưởng, những hộ phải di dời khỏi vùng nguy hiểm, bằng mọi biện pháp, phải lấy sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết.