TIN TỨC

Trồng 120 ngàn cây xanh trên đê biển Tây Cà Mau

Chương trình trồng cây “Hành động vì một Việt Nam xanh” năm 2024. Ảnh: Trọng Linh. Ngày 23/8, tại đê biển Tây, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tỉnh đoàn Cà Mau, Công ty TNHH Unilever Việt Nam và nhãn hàng OMO tổ chức chương trình trồng cây “Hành động vì một Việt Nam xanh” năm 2024. Chương trình “Hành động vì một Việt Nam xanh” triển khai trồng cây cho rừng phòng hộ, rừng sản xuất… diễn ra trên khắp các tỉnh, thành của cả nước, trong chuỗi hoạt động hưởng ứng chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ. Với mục tiêu tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng ngập mặn, phòng chống xói mòn, gió, bão, cung cấp sản phẩm tự nhiên và cải thiện sinh kế cho cộng đồng, người dân và thực hiện thành công kế hoạch tăng cường trồng, phục hồi rừng ngập mặn của tỉnh Cà Mau. Rừng ngập mặn được ví như “lá phổi xanh” không thể thiếu để bảo đảm cho hệ sinh thái ven biển phát triển. Ảnh: Trọng Linh. Anh Trần Đăng Khoa, Phó bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau cho biết: Chương trình “Hành động vì một Việt Nam xanh” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh; nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái rừng. Đây là công việc thiết thực của tuổi trẻ trong việc bảo vệ, phát triển rừng, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với môi trường tự nhiên và sinh thái. Qua việc trồng và bảo vệ rừng, bảo đảm sự phát triển bền vững, duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường. Ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Đây là Chương trình hoạt động vì cộng đồng, trong việc góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống xói mòn, bảo vệ các khu vực ven biển, hạn chế các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, khuyến khích cộng đồng có những hành động cụ thể, thiết thực trong việc trồng cây xanh”. Chương trình trồng cây “Hành động vì một Việt Nam xanh”, đã trồng được hơn 690.000 cây xanh, gieo 60.000 banh hạt giống tại 19 tỉnh, thành và 9 vườn quốc gia trên cả nước. Ảnh: Trọng Linh. “Với khẩu hiệu ‘Hành động vì một Việt Nam xanh’, tôi mong muốn và kêu gọi ngay từ bây giờ, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, cùng nhau góp công, góp sức tham gia vào việc trồng thêm nhiều cây xanh để phong trào được lan rộng, phát triển trên khắp mọi vùng miền Tổ quốc, góp phần quan trọng xây dựng đất nước ngày càng xanh – sạch – đẹp”, ông Vũ Minh Lý phát biểu. Đến nay, chương trình này đã trồng được hơn 690.000 cây xanh, gieo 60.000 banh hạt giống tại 19 tỉnh, thành và 9 vườn quốc gia trên cả nước. Góp phần quan trọng giữ nước đầu nguồn, chống xói mòn, sạt lở đất, nâng cao độ che phủ rừng và tạo lá phổi xanh ngăn chặn bụi và cải thiện chất lượng không khí theo chiều hướng tích cực. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Ông Shawn Tan – Giám đốc ngành hàng Giặt giũ; Công ty TNHH Unilever Việt Nam chia sẻ: Unilever Việt Nam, nhãn hàng Omo trao tặng 120.000 cây xanh cho Tỉnh đoàn Cà Mau, gửi gắm trong đó niềm tin về một cuộc sống xanh hơn, phát triển kinh tế – xã hội cho người dân nơi đây, hướng tới gìn giữ, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Rừng ngập mặn được ví như “lá phổi xanh” không thể thiếu để bảo đảm cho hệ sinh thái ven biển phát triển. Đây cũng là khu vực có giá trị cả về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước những tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên như sóng, gió, bão… và các hoạt động xây dựng, khai thác, nuôi trồng thủy sản không được kiểm soát của con người đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng diện tích rừng ngập mặn trong cả nước, ảnh hưởng tiêu cực tới biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh phát sinh…