TIN TỨC

Vua voi Tây Nguyên gửi lại một giấc mơ đại ngàn

Vua voi Tây Nguyên Đàng Năng Long bên cạnh huyền thoại Tây Nguyên A Ma Kong vào tháng 8/1994. Ảnh: Trương Nhất Vương.  Vua voi Tây Nguyên là cách gọi trìu mến của người dân Đắk Lắk dành cho Đàng Năng Long. Bởi lẽ, những năm sinh sống tại thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk có thời điểm Đàng Năng Long sở hữu đàn voi lên đến 20 con. Đàng Năng Long sinh ngày 10/5/1962. Cầm tinh con cọp nhưng Đàng Năng Long đặc biệt say mê con voi. Có cha là dũng sĩ săn voi Đàng Năng Nhảy, mẹ là nữ quản tượng Sao Thông Chăn, nên từ nhỏ Đàng Năng Long đã gần gũi với những con voi mang vóc dáng hùng dũng của đại ngàn. Năm 20 tuổi, Đàng Năng Long bắt đầu thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà, và được xưng tụng vua voi Tây Nguyên. Trong gia tài của Đàng Năng Long từng có những con voi được đánh giá to và đẹp nhất của tỉnh Đắk Lắk, đặt tên là H’Luân, H’Túk, H’Bok Khăm, Khăm Sen, Y Măm, Thông Răng… Vua voi Tây Nguyên quan niệm: “Từ bao đời này, bà con dân tộc thiểu số tại chỗ luôn xem voi là một thành viên trong gia đình, voi được đặt tên, làm lễ cúng sức khỏe hằng năm, được chăm sóc khi còn sống và chôn cất chu đáo khi mất. Voi tham gia vào nhiều hoạt động sản xuất, như: kéo gỗ, vận chuyển nông sản, người… và nay còn làm du lịch góp phần phát triển cộng đồng”. Sau hơn 50 năm gắn bó với huyện Lắk, vua voi Tây Nguyên chuyển về cư ngụ ở thành phố Ban Mê Thuột. Với một ngôi nhà được xây dựng theo kiểu truyền thống của người M’Nông, Đàng Năng Long tiếp tục nuôi voi phục vụ du lịch tại khu vực hồ Ea Kao. Vua voi Tây Nguyên băn khoăn, các nghề truyền thống đều có người đứng ra chăm lo công tác bảo tồn và phát huy, còn nghề nuôi von thì vẫn chưa có chương trình đào tạo một cách khoa học. Phát triển du lịch voi thân thiện là xu hướng, là chủ trương đúng đắn. Thế nhưng, phải có môi trường sinh thái cho voi được tự do vận động có bầy có đàn. Tại sao voi Tây Nguyên không đẻ được? Đó là do hướng đi, cách làm chưa hợp lý. Muốn thay đổi, đầu tiên phải quy hoạch lâm viên cho đàn voi. Vua voi Tây Nguyên Đàng Năng Long chăm sóc voi phục vụ du lịch cộng đồng. Tại hội thảo về công tác phát triển đàn voi Tây Nguyên gần đây, vua voi Tây Nguyên Đàng Năng Long bày tỏ: “Tôi sinh ra dưới chân voi, lớn lên trên lưng voi nên bây giờ để voi có thể sinh sản. tôi luôn sẵn lòng cho voi nhà của mình tham gia vào các hoạt động nhân giống. Chúng ta đã ích kỷ trong nhiều năm qua, để đàn voi nhà Tây Nguyên từ hơn 500 con giờ chỉ còn hơn 40 con. Thật buồn, trong suốt thời gian dài gần hai thập niên, không có con voi nhà nào sinh sản. Nếu không có giải pháp tích cực, chỉ vài năm nữa thôi, khi đàn voi hiện nay hết tuổi sinh sản thì dẫu chúng ta có đổ bao nhiêu tiền bạc cũng không thể nào có voi con. Ước mơ lớn nhất của tôi là được thấy những con voi Tây Nguyên có thể sinh sản để duy trì nòi giống, để con cháu sau này vẫn có thể ngắm nhìn đàn voi trên quê hương như một biểu tượng đại ngàn”. Đáng tiếc, ước mơ ấy đang dang dở, thì trái tim vua voi Tây Nguyên Đàng Năng Long đã ngừng đập lúc 3h chiều 27/10. Vua voi Tây Nguyên Đàng Năng Long ra đi ở tuổi 62.