TIN TỨC

Xuất khẩu nông sản ở mức cao kỷ lục, sớm cán đích 55 tỷ USD

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao đổi tại buổi họp báo thường kỳ ngày 31/10. Ảnh: Quỳnh Chi. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) trong tháng 10 năm 2024 ước tính đạt hơn 5,9 tỷ USD. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành NLTS đã vượt 51,7 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng NLTS của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 48%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,5% và 11,5%. Trao đổi với báo chí ngày 31/10,  Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, mốc kim ngạch xuất khẩu NLTS 55 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn khả quan.  Thứ trưởng cho biết: “Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Năm nay, chúng ta sẽ cán đích ở mức cao nhất về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản”. Thứ trưởng phân tích, thành công này đến từ nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong nhiều thập kỷ qua, xây dựng được hệ thống thị trường ổn định và rộng mở. Cùng với đó, các Nghị định thư ký kết với Trung Quốc đã mở cửa cho các sản phẩm như dừa, sầu riêng đông lạnh và cá sấu của Việt Nam vào thị trường nước bạn.  Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện, hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Arab. Việc tăng cường hợp tác với khu vực Trung Đông cũng giúp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Halal, nơi có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn và phân khúc thị trường cao cấp. Với những bước tiến này, ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng tự tin chinh phục các thị trường khó tính và nhiều tiềm năng trên quy mô lớn hơn. Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị, xã hội và môi trường, nông sản Việt Nam vẫn vươn xa tới gần 200 quốc gia, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho nhiều khu vực. Trả lời câu hỏi từ phóng viên về các kỷ lục xuất khẩu nông sản liệu đến từ sự gia tăng về giá trị hay sản lượng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, giá trị kinh tế và năng suất luôn song hành với nhau. Ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam ngày càng đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật cao, từ đó nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông sản. Các chương trình giao lưu, kết nối, xúc tiến thương mại và đầu tư cũng đã thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng chỉ ra rằng, lĩnh vực chế biến sâu tại Việt Nam vẫn chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, cần được đầu tư nhiều hơn. Việc mở rộng quy mô và phạm vi sản xuất nông nghiệp sẽ kéo theo các tác động lên môi trường, đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cần chú ý giải quyết.  Thứ trưởng khẳng định: “Trong các chương trình đầu tư và phát triển, Bộ NN-PTNT luôn coi các địa phương là trụ cột của ngành nông nghiệp. Nông dân chính là những người hưởng lợi từ những tiến bộ khoa học và giải pháp kỹ thuật”. Ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam ngày càng đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông sản. Ảnh: MQ. Đồng hành cùng địa phương phục hồi sản xuất nông nghiệp Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, nhờ những biện pháp phòng, chống thiên tai quyết liệt, công tác ứng phó với bão Yagi và Trà Mi đã giúp giảm thiểu đáng kể các rủi ro. Đối với công tác ứng phó, Bộ NN-PTNT liên tục cập nhật dữ liệu về các vùng bị thiệt hại để đưa ra chỉ đạo, khuyến cáo phù hợp cho từng địa phương, nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất. Ngay sau bão, Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị phục hồi sản xuất cho các lĩnh vực quan trọng như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.  Cụ thể, ngành lâm nghiệp đã huy động nguồn cây giống để phục hồi 17.000ha rừng bị thiệt hại. Cục Lâm nghiệp cũng sớm ban hành công văn số 1339/LN-PTR hướng dẫn địa phương khắc phục thiệt hại về rừng. Trong đó, địa phương chủ động rà soát các nguồn giống, khả năng cung ứng cây giống và nhu cầu sử dụng để lập phương án sản xuất, hỗ trợ cây giống trồng lại rừng. Đối với trồng trọt, các doanh nghiệp cam kết không tăng giá bán giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ tối đa khôi phục sản xuất. Cục Trồng trọt cũng phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương cung cấp giống rau, giống lúa và vật tư cần thiết đến từng địa phương. Trong lĩnh vực thủy sản, Bộ NN-PTNT đã chủ trì hội nghị khôi phục sản xuất tại Hải Phòng sau khi khảo sát tình hình thiệt hại tại các tỉnh ven biển. Cục trưởng Cục Thú y và Thủy sản đã trực tiếp đến Vân Đồn để khảo sát, hỗ trợ bà con. Về chăn nuôi, các giống gia cầm như gà và thủy cầm đã được cung cấp kèm thức ăn để giúp bà con nông dân tái đàn nhanh chóng. Đồng thời, Bộ NN-PTNT tích cực giải quyết các thủ tục hành chính khi doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất, đầu tư các dự án mới tại địa phương. Tuy nhiên, các dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm,… vẫn là nguy cơ lớn. Vì vậy, công tác vệ sinh phòng bệnh và an toàn sinh học phải được đặt lên hàng đầu, vừa là nhiệm vụ sau bão, vừa là yêu cầu trong hệ thống giải pháp chăn nuôi. “Nhìn chung, công tác phục hồi sản xuất nông nghiệp đang được triển khai quyết liệt và hiệu quả, giúp ổn định sản xuất và đời sống cho người dân”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận xét. Cá tra là một trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD. Ảnh: Quỳnh Chi. Triển vọng thương mại nông lâm thủy sản Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường xuất khẩu NLTS lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu NLTS sang Hoa Kỳ tăng gần 26%, sang Trung Quốc tăng hơn 11%, và sang Nhật Bản tăng gần 6%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu NLTS tháng 10 năm nay ước đạt gần 4,2 tỷ USD. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu NLTS đạt trên 36,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 11,75 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 6,21 tỷ USD, tăng hơn 17% và nhóm nông sản thặng dư 4,67 tỷ USD, tăng 4,2 lần. Trong khi đó, cán cân thương mại 3 nhóm hàng còn lại ở trạng thái thâm hụt: nhóm đầu vào sản xuất thâm hụt 4,75 tỷ USD, tăng 7%; sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 2,64 tỷ USD, tăng 7,2% và muối thâm hụt 24,6 triệu USD, giảm khoảng 24%. Đến nay, ngành nông nghiệp đang có 6 mặt hàng NLTS có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD là: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 10,91 tỷ USD (tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước); hàng rau quả thặng dư 4,47 tỷ USD (tăng 39,6%); cà phê thặng dư 4,33 tỷ USD (tăng 38,5%); gạo thặng dư 3,68 tỷ USD (tăng 13,1%); tôm thặng dư 2,92 tỷ USD (tăng 21,7%) và cá tra thặng dư 1,54 tỷ USD (tăng 8,7%).